Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biển hiệu: quảng cáo hay chính là câu chuyện văn hóa thương mại

Vương Tâm| 15/04/2010 13:05

(HNMO)- Mười năm qua ở những thành phố lớn, thị trường hàng hoá bùng lên mạnh mẽ, kèm theo đó là những biển hiệu quá khổ, lộn xộn về hình thức. Còn nội dung không ít nơi lẫn lộn giữa biển hiệu và quảng cáo, đẫn đến vi phạm luật lệ, thể hiện một sự cạnh tranh không lành mạnh, vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà chức trách


(HNMO)- Mười năm qua ở những thành phố lớn, thị trường hàng hoá bùng lên mạnh mẽ, kèm theo đó là những biển hiệu quá khổ, lộn xộn về hình thức. Còn nội dung không ít nơi lẫn lộn giữa biển hiệu và quảng cáo, đẫn đến vi phạm luật lệ, thể hiện một sự cạnh tranh không lành mạnh, vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà chức trách. Dường như ông chủ nào cũng muốn gào lên qua biển hiệu để xưng danh, càng to càng tốt, gây phản cảm cho mọi người... Chuyện ngỡ tưởng là chuyện của người chẳng liên quan gì đến mình nhưng thực ra lại là chuyện của mọi người, chuyện trật tự xã hội, chuyện văn hoá thương mại.

Láo nháo biển hiệu kinh doanh

Trước hết, có lẽ phải nói để tình trạng biển hiệu lộn xộn xảy ra hiện nay, xuất phát từ những quy định trước đây không chuẩn. Một là biển hiệu không phải xin phép, hai là kích thước và nội dung được ghi trên biển hiệu không bị ràng buộc theo điều khoản nào. Nên mọi chuyện phó mặc cho các cửa hàng tự tung, tự tác tạo nên cảnh đua chen nhau, thậm chí phá lẫn nhau mà không ai giải quyết. Chẳng hạn như một biển hiệu ở cửa hàng bún chả ở phố Sinh Từ đã viết: “Bún chả Sinh Từ, chính hiệu lâu năm” nhưng kèm theo ở phía dưới là dòng chữ: “Lưu ý: Cửa hàng bên mới mở”. Nội dung đó đâu có phải là của biển hiệu, mà nó còn thể hiện sự ứng xử thiếu lành mạnh trong cùng giới làm ăn. Cũng do không có quy định nội dung biển hiệu, nên có cửa hàng trương biển hiệu rất to đỏ choé ở phố Tôn Đức Thắng, với dòng chữ: “Ối Giời ơi! Rẻ Quá”. Bảng hiệu cứ tồn tại một cách hồn nhiên, làm cho một cửa hàng ở phố Trần Huy Liệu cũng copy bản hiệu và cũng kêu lên: “Ối giời ơi” để bán bánh ngọt và kim chi. Nghe nói ông chủ nhà hàng này là một người Hàn Quốc. Xem ra họ cũng biết lợi dụng việc không phải xin phép này mà thoải mái la to. Hay như trên đường giải phóng, đối diện với bệnh viện Bạch Mai, xuất hiện không ít những biển hiệu “Nạo thai”, “Hút thai” được kẻ vẽ công phu, hoành tráng ngay trước mắt mọi người qua đường. Nội dung biển hiệu không chuẩn và lại còn phạm luật về y tế nữa chứ. Vậy mà chịu đấy!


Lại nữa, có ít nhất vài cửa hàng thời trang ở Hà Nội, cụ thể là ở Yên Phụ đưa biển hiệu “Sex Fashion” để thu hút sự chú ý của khách hàng. Riêng cửa hàng ở số nhà 313 phố Tây Sơn còn gây chú ý ở 3 nội dung sex ở ba bảng khác nhau. Bảng chính to làm biển hiệu chính thì viết “Sexshopviet” , ngay ở dưới là một biển khác kéo dài với hàng chữ “Sex market.vn”. Chưa hết, hai bên cạnh tường nhà còn trưng hai biển dọc, viết “Sex, OK, Sexy, BCS, Hot” chạy từ trên xuống dưới với một hình ảnh cô gái và bàn tay trỏ ngón ngược lên, trông thật kỳ. Tất nhiên, chữ SEX ở đây cửa hàng chọn theo nghĩa đơn là giới tính, chứ không nên hiểu theo nghĩa “sự giao cấu”, nhưng khi viết thành Sexy thì lại trở thành tính từ, lại có nghĩa: “Khiêu dâm, gợi tình”. Còn chữ BCS là gì? Chắc có lẽ ở đây viết tắt cụm từ: “Bao cao su” chăng? Vậy đó, nói chi tiết một bảng hiệu thôi, để thấy được sự lỏng lẻo của các nhà quản lý về nội dung biển hiệu. Lẫn lộn chữ tây, ta, viết tắt, không biết đâu mà lần. Cùng với các nội dung biển hiệu khác như: “50% nhé”, “Ta-Bánh mì”, “A! Chó!”, “Xịn Nhất” “Muỗi”…thì ta thường gặp trên đường phố.

Ấy là chuyện về nội dung, còn kích thước của biển hiệu càng tỏ rõ sự đua chen vô lối, vì không có điều khoản nào hạn chế trước đây. Mạnh ai, người ấy phóng biển hiệu lên kích cỡ “đại” hay “siêu đại”, với màu sắc bắt mắt nhất, hay tìm màu gắt, nóng mang tính huỷ diệt, lấn át, làm lu mờ biển hiệu bên cạnh. Máu nhất là các cửa hàng bán bếp ga, máy tính, điện thoại và không ít các ngân hàng cổ phần. Biển hiệu của họ thường to hết cỡ, thậm chí che lấp hết cả toà nhà mấy tầng, với màu sắc chói gắt. Ngoài sự bung lên về kích thước, nhiều cửa hàng còn tận dụng ở nhiều vị trí khác nhau, treo thêm biển hiệu để khuếch đại nội dung cần quảng bá, kể cả buộc vào cột điện hay đóng đinh lên các cây xanh thành phố để treo biển hiệu. Có thể nói không có cửa hàng nào chỉ treo một bảng hiệu duy nhất, mà đều dùng từ hai đến bốn, năm bảng hiệu khác nhau về kích thước. Thậm chí có cửa hàng ở 409 Trường Chinh chẳng hạn, không lớn lắm, nhưng lại làm nhiều việc khác nhau như: Cầm đồ, mua bán ô tô, tư vấn nhà đất, đáo hạn ngân hàng, thì mỗi công việc cũng trưng một biển hiệu to riêng rẽ. Đối với việc kinh doanh cầm đồ thì ngoài hai biển hiệu sắt cỡ lớn, còn một băng rôn nữa cùng in một nội dung, tất cả nuốt chửng ngôi nhà.

Sự lộn xộn về nội dung và hình thức biển hiệu kinh doanh ở Hà Nội đã phá vỡ cảnh quan đường phố, làm đảo lộn trật tự kinh doanh mang tính cạnh tranh phù phiếm về hình thức, gây tốn kém không cần thiết.


Liệu có thể trông cậy vào những quy định mới?


Mới đây chính quyền thành phố đã ra những quy định mới, tựa như một cứu cánh để khắc phục và ngăn chặn những hành vi phô trương trên biển hiệu. Nếu theo đúng quy định mới, biển hiệu là tên cửa hàng, quảng cáo là giới thiệu nội dung; thí dụ “Áo cưới Minh Thu” là biển hiệu, nhưng nếu thêm “Áo cưới Minh Thu - giá rẻ bất ngờ” là quảng cáo. Vậy thì nếu chỉ viết “Ối giời ơi!” không thôi, thì có được xếp vào loại biển hiệu được chăng, cũng là điều phải cãi vã chứ không dễ bắt bẻ, thay đổi. Và lại nếu đưa ra lý sự rằng, tên biển hiệu phải là danh từ tiếng Việt, thì có lẽ không dưới 25% cửa hàng phải sửa nội dung.

Chuyện sửa kích thước có vẻ tưởng như chi đo đạc là xong, sau đó là cắt, dễ ợt. Nhưng không đâu, đơn giản thế ư? Chiểu theo quy định kĩch cỡ mới cũng cởi mở lắm: Biển hiệu ngang được cao 2m, nhưng có quyền kéo hết chiều dài mặt tiền nhà. Nhưng diện tích biển hiệu không được quá 30m2. Còn biển hiệu dọc thì được cao tới 4m, còn chiều ngang là 0,6m. Nghĩa là mặc dù những quy định mới cũng đã phần nào chiều các cửa hàng và thích ứng với tình thế diễn biến sôi nổi của thị trường hiện nay, nhưng cũng phải đến 30% biển hiệu phải cưa cắt.

Tuy quy định là thế nhưng cách thức và các bước triển khai, từ khi công bố đến nay, vẫn còn nhiều trở ngại. Thời hạn quy định việc xử lý đã bắt đầu tiến hành từ tháng 9 năm 2009, kết thúc vào quý II năm 2010, nhưng đến nay đường như tất cả vẫn y nguyên, chưa thấy động tĩnh gì. Các nhà chức trách muốn xử lý mọi chuyện theo quy định mới, vậy lấy người ở đâu để đủ sức áp chế và thực thi khi mọi thứ đã ổn định hàng chục năm nay đối với các hộ kinh doanh. Đồng thời lấy ngân sách ở nguồn nào để xử lý thật triệt để, bởi sau khi cắt kích thước còn việc quét sơn, kẻ chữ, vẽ hình, mà vẫn giữ được vẻ đẹp của biển hiệu sau khi sửa.

Ngay công việc đầu tiên là cuộc điều tra và xác định cho được cửa hàng nào đã vi phạm về nội dung và cửa hàng nào có biển hiệu lớn hơn so với quy định mới cũng đã gặp không ít khó khăn, khi các chủ cửa hàng không nhiệt tình hợp tác. Điều này dẫn đến kế hoạch chi tiết từng bước xử lý tiếp theo cũng còn nằm trên bàn giấy.


Cần sự chia sẻ cùng nhau

Vì thế, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các chủ nhân để sửa mọi chi tiết theo quy định mới, thì quả là điều không tưởng. Họ sẵn sàng kêu lên rằng, trước đây chính quyền không quy định, chúng tôi đâu có sai phép tắc, giờ lại áp chế quy định mới, làm khó cho các nhà kinh doanh, biến họ thành những kẻ “tội đồ”. Họ sẵn sàng nộp phạt để biển hiệu của mình được tồn tại, như từ trước đến nay, thanh tra vẫn chấp nhận những sai phạm của các công ty xây dựng.

Thực ra, những quy định mới được đề ra, có phần nhằm sửa sai lầm bỏ lơi đã lâu của chính mình, thì các cấp chính quyền cần phải có cách dung hoà, tìm ra phương án nào đó để hợp tác với các cửa hàng. Hoặc có thể hai bên cùng chia sẻ trách nhiệm và ngân sách? Thế mới khó! Nhưng như vậy may ra mới có lối thoát. Bởi vì việc hoàn chỉnh các biển hiệu cũng chính là việc trả lại cảnh quan và kiến trúc của thành phố mà ai cũng mong muốn. Hy vọng đến ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đường phố thủ đô không còn sự lộn xộn, xô bố của những biển hiệu kềnh càng, phô trương loè loẹt làm mất đi gương mặt thanh lịch của đất kinh kỳ Tràng An. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biển hiệu: quảng cáo hay chính là câu chuyện văn hóa thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.