(HNMO) - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị biến chứng sau phẫu thuật nâng ngực với một bên ngực sưng to đến 50cm. Sau gần 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy bỏ được túi ngực, rút hết dịch cùng toàn bộ lớp bao xơ dầy đã xâm lấn vào thành ngực trước tim, bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là T.N.T., 30 tuổi, quê ở Lạng Sơn, ngực bị chảy và teo sau khi sinh hai con. Dù mới cai sữa cho con được 6 tháng, ngực vẫn chưa thật hết sữa, nhưng chị T.N.T. đã quyết định phẫu thuật nâng ngực. Do không tìm hiểu kỹ, chị T. đã phó mặc toàn bộ cho tư vấn viên của một thẩm mỹ viện lựa chọn dịch vụ như những lời quảng cáo hoa mỹ.
Sau khi phẫu thuật, cách đây khoảng 2 tuần, ngực bên trái của chị to nhanh, gấp 4 lần bên ngực còn lại. Vì vậy, chị và chồng xuống Hà Nội khám.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đến viện trong tình trạng nhợt nhạt, hốt hoảng và rất lo lắng. Bên ngực trái sưng to, khoảng 50cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng, chắc hơn nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ chị T. bị tràn dịch muộn, quanh bao túi ngực có bao xơ co thắt. Sau khi tiến hành khám và làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển qua phẫu thuật.
Các bác sĩ phải dùng kim đầu to và xi lanh loại lớn để hút dịch nhằm giảm áp cho khoang ngực trước khi có thể tiến hành phẫu thuật. Sau gần 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã tháo bỏ được túi ngực và rút ra hơn 600 ml dịch lẫn chất nhầy vàng đục, cùng toàn bộ lớp bao xơ, kể cả những phần đã xâm lấn vào thành ngực và bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết, tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng tương đối hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gặp 2 đến 3 ca một năm. Điều đáng lo ngại là hiện tượng tràn dịch với khối lượng lớn có thể là dấu hiệu về nguy cơ có tế bào lạ xung quanh lớp bao túi.
Từ trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ có ý định đi phẫu thuật nâng ngực cần tìm hiểu thông tin kỹ, trực tiếp với phẫu thuật viên về bệnh viện, bác sĩ mổ, kỹ thuật mổ, đường mổ... Các bác sĩ cũng phải tư vấn kỹ, đầy đủ cho người có nhu cầu về các ưu điểm, nhược điểm của từng loại túi ngực sẽ được đặt trong người.
Với những người đã phẫu thuật nâng ngực, nếu không có triệu chứng gì bất thường, cần khám và kiểm tra định kỳ với các chuyên gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng như siêu âm chụp chiếu định kỳ. Khi có các biểu hiện bất thường như một bên ngực sưng to hơn gấp nhiều lần so với bên đối diện hoặc ngực trở nên cứng, chắc, méo mó, sờ thấy u cục dưới da... thì cần đến khám tư vấn tại các trung tâm có chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị để được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.