(HNMO) - Điểm đen rác thải gây bức xúc ở tổ dân phố số 32, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) đã trở thành một sân chơi khang trang, sạch sẽ, góp phần làm đẹp phố, phường.
Giếng cổ hơn 200 năm tuổi tại tổ dân phố số 32 được người dân cải tạo sạch sẽ. |
Sống chung với rác
Bà Từ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố số 32, phường Hoàng Văn Thụ nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, tại khu đất tranh chấp, nằm trong khu vực ngõ 197 thuộc tổ dân phố số 32 là đống rác cao hơn 2 mét. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, các phế liệu, mà còn cả xác chết động vật, giường, màn, chăn, chiếu… người ta cũng quăng hết ra đây. Khi bãi rác không còn đủ sức chứa, chiếc giếng cổ hơn 200 năm tuổi nằm cạnh đó đã trở thành nơi đổ rác của người dân”. Khu vực này trời nóng thì bốc mùi hôi thối, ngày mưa gió thì lầy lội, rác trôi tràn lan ra đường, rồi len lỏi vào các ngách nhỏ gây tắc cống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, khu dân cư số 6 chia sẻ: “Ngày trước, mỗi khi tôi có việc phải đi qua khu vực này đúng là một cơn ác mộng. Nhiều người dân phải đi đường vòng hoặc nín thở rồi đi thật nhanh qua để mùi hôi thối không xộc vào mũi”. Sự việc kéo dài, khiến người dân vô cùng bức xúc nhưng chẳng biết phải làm thế nào để thoát khỏi cảnh này…
Đã nhiều lần tổ dân phố họp bàn, tìm và áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết như: Treo biển cấm đổ rác, luân phiên theo dõi để nhắc nhở… nhưng “bệnh” đổ rác không đúng quy định ở khu dân cư vẫn không hề thuyên giảm.
Bà Hạnh tiếp lời: “Sức người có hạn, ai cũng có công việc riêng trong khi người thiếu ý thức thì thoắt đến, thoắt đi. Buông rác khỏi tay là họ chối ngay hành vi của mình”. Có lần, do quá bức xúc, bà Hạnh đã thức dậy từ sáng sớm ra đứng ở bãi rác để bắt tận tay những người đổ trộm rác, lúc đó người ta mới chịu thừa nhận hành vi.
Rác thải không chỉ khiến khu vực bị ô nhiễm, làm xấu hình ảnh khu phố mà còn gây ra bệnh tật cho các hộ gia đình sinh sống ở nơi đây. Bà Hạnh kể: “Năm 2015, tổ 32 bùng phát dịch sốt xuất huyết khiến hơn 20 người phải nhập viện. Sau đó, chính quyền phường đã cử người đi phun thuốc diệt muỗi tất cả các gia đình trong khu vực, nhưng tình trạng không giảm được là bao”.
Bức xúc về vấn đề này, 4 gia đình sống quanh khu vực bãi rác đã góp tiền thuê xe ôtô tải về thu gom rác đem đổ ra bãi tập kết và lắp camera để phát hiện những người có hành vi đổ trộm rác rồi báo cho Tổ trưởng tổ dân phố để nhắc nhở. Nhưng số lượng rác quá nhiều, thu gom chỉ được một, nhắc nhở, kiểm điểm người này thì người khác lại vi phạm nên đành phải chấp nhận. Cứ thế, tình cảnh sống chung với rác của người dân nơi đây tồn tại nhiều năm, tưởng chẳng có cách nào giải quyết…
Hạt nhân tiên phong
Đông đảo người già, trẻ nhỏ vui đùa tại sân chơi được cải tạo từ bãi rác. |
Ông Nguyễn Sơn Thủy, cư dân tổ 32 thấy giếng cổ bị ô nhiễm nên đã xin phép Tổ trưởng tổ dân phố được làm sạch giếng. Tháng 4-2016, ông Thủy bắt tay vào công việc, nhiều người dân trong khu phố thấy ông làm, nên cùng góp sức. Người lái xe công nông nhận việc chở rác, một hộ gia đình cho mượn máy bơm nước, một số người ủng hộ tiền… Sau hơn 2 tháng, chiếc giếng đã được nạo vét sạch, đổ một lớp cát mỏng lên trên và quét vôi quanh thành để diệt khuẩn.
Nhiều người đi ngang qua thấy chiếc giếng đơn điệu nên đã góp ý với ông Thủy lắp thêm đèn chiếu sáng quanh thành giếng và vòi phun nước. Ông Thủy nói: “Có được không gian đẹp như ngày hôm nay là nhờ công sức của tất cả người dân trong khu phố. Nhận được sự tin tưởng của mọi người, nên tôi phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của người tiên phong”.
Tuy giếng đã sạch, nhưng bãi rác bên cạnh vẫn chưa được giải tỏa khiến bà Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố luôn canh cánh nỗi lo về ô nhiễm và dịch bệnh. Tiếp nối phong trào làm sạch giếng cổ, bà Hạnh quyết định đi đến từng hộ gia đình trong tổ 32 vận động mọi người cùng nhau xóa bỏ bãi rác. Phong trào được đông đảo bà con ủng hộ, với số tiền gần 30 triệu đồng và cùng bắt tay vào cải tạo khu vực bãi rác. Sau gần một tháng làm việc, công trình đã được hoàn thành trong sự hân hoan của người dân trong khu phố.
Ông Quý, cư dân địa phương phấn khởi: “Giờ đây, chúng tôi không còn lo lắng về chỗ chơi cho các cháu nhỏ. Sân chơi mới khang trang, sạch sẽ, mọi người trong khu phố đã ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh chung”.
Bà Hà Thị Minh Thanh, Bí thư chi bộ khu dân cư số 6, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Để đảm bảo công tác an ninh trật tự, ở mỗi tổ dân phố, chúng tôi thành lập 4 nhóm liên gia, làm công tác "3 tự phòng, 3 tự quản". Các nhóm trưởng giúp Tổ trưởng tổ dân phố nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh chung, treo cờ Tổ quốc các ngày lễ và đảm bảo an ninh cho các gia đình hàng xóm mỗi khi họ vắng nhà…”. Khu dân cư số 6 luôn duy trì tốt phong trào sáng thứ bảy xanh, cùng nhau dọn rác, giữ gìn khu phố “xanh - sạch - đẹp - văn minh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.