Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 20/09/2018 08:26

(HNMO) - Sáng 20-9, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về kết quả thực hiện công tác 8 tháng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc với Sở TTTT Hà Nội


Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố.

Đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước

Báo cáo Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Kỳ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về: Báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin đối ngoại; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng...

Đảng bộ Sở có 10 chi bộ, gồm 119 đảng viên. Cơ cấu tổ chức bộ máy của sở gồm: Ban Giám đốc; 7 phòng, ban chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 255 công chức, viên chức, lao động hợp đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm Cổng thông tin điện tử Hà Nội


8 tháng qua, phát huy những kết quả nổi bật của nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sở đã tích cực tham mưu về sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố; tham mưu ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai các Chương trình phối hợp công tác với một số cơ quan báo chí Trung ương năm 2018; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc (điển hình là đưa vào hoạt động hiệu quả Phố sách Hà Nội, tổ chức tốt Hội sách Hà Nội hằng năm, tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt...).

Cơ quan báo chí, xuất bản Hà Nội đã tuyên truyền hiệu quả toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Nhiều vấn đề báo chí nêu được các cấp, các ngành có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết kịp thời.

Công tác quản lý thông tin điện tử đang từng bước được củng cố. Sở đã chủ động tham mưu thành phố ban hành các đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy, nâng cao hiệu lực quản lý thông tin, báo chí. 8 tháng qua, Sở đã xử lý 17 tài khoản Facebook, gỡ bỏ 292 video clip trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện nay, Sở đang tích cực triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lắp đặt các trạm BTS thân thiện với môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng tại các quận; chủ động triển khai wifi miễn phí tại các điểm công cộng.

Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố, Sở đã tham mưu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng tập trung, đồng bộ, thống nhất trên một hệ thống với quy mô toàn thành phố. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống và từng bước hoàn thiện nền tảng của chính quyền điện tử thành phố. Việc thực hiện hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của thành phố. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm chuyên ngành được triển khai đồng bộ trên toàn thành phố. Tính đến nay, thành phố đã có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Giao dịch giữa thành phố với công dân và doanh nghiệp được cải thiện. Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (chỉ số ICT Index) năm 2018 (xếp hạng năm 2017) được Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam công bố, Hà Nội xếp thứ 3 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế như, công tác xây dựng Đề án sắp xếp và phát triển báo chí của thành phố còn chậm; việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn còn một số trường hợp chưa kịp thời, dẫn đến phát sinh vấn đề "nóng". Mặc dù tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn thành phố cao so với cả nước, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đa số người dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn phải đến trực tiếp bộ phận "một cửa"... Báo cáo của Sở cũng nêu 11 kiến nghị với thành phố và các cơ quan trung ương.

14 đại biểu đã nêu ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ thêm báo cáo, giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại và giải đáp các kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông.

Thành phố thông minh là giải quyết công việc nhanh chóng, ít phiền hà nhất cho người dân

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác của Sở Thông tin và Truyền thông 8 tháng năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay. Trong đó, Sở đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, duy trì đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy; sắp xếp, kiện toàn bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc Đảng bộ Sở được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2017 là minh chứng rõ nét về kết quả này. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, nhưng Sở vẫn hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; làm tốt công tác tham mưu về thông tin, tuyên truyền, đảm đương hiệu quả vai trò cầu nối giữa thành phố với các cơ quan truyền thông, giữa thành phố với người dân; làm tốt nhiệm vụ định hướng thông tin...

Ngoài những hạn chế, tồn tại được Sở nêu trong báo cáo, Bí thư Thành ủy lưu ý, báo cáo chưa đề cập đến việc giải ngân chậm các dự án xây dựng cơ bản. Đồng chí yêu cầu HĐND thành phố xem xét, giám sát về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại đã đề ra.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc.


Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chăm lo, làm tốt công tác xây dựng Đảng; chủ động rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ để đề ra giải pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi vào cuối nhiệm kỳ. Nhấn mạnh hai lĩnh vực quan trọng của Sở là công tác thông tin, tuyên truyền và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ, Sở phải bám sát đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, dự báo được "điểm nóng" để triển khai thông tin, tuyên truyền sớm nhằm định hướng thông tin, góp phần cùng thành phố giải quyết, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sở phải từng bước xây dựng các tiêu chí nhằm lượng hóa các khâu tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai các bước xử lý khủng hoảng truyền thông, cung cấp thông tin định hướng cho người dân; tăng cường tuyên truyền về các quy tắc ứng xử, nhất là Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng, quản lý công nghệ thông tin vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin là mảng kinh tế lớn và đầy tiềm năng (chiếm khoảng 12% GDRP của thành phố). Do đó, Sở phải nỗ lực để đưa ngành Công nghệ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố được thực hiện nhanh hơn, tốc độ cao hơn, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đồng chí chỉ rõ: "Đây là những nội dung không hề xa vời. Ngay cả những công nghệ mới như Bigdata, trí tuệ nhân tạo cũng có thể triển khai ngay. Vấn đề là phải đưa những nội dung này vào công việc hằng ngày, gắn với yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. "Thành phố thông minh" là phải giải quyết nhanh chóng, ít phiền hà cho người dân nhất. Thực tế, thành phố đã triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng có nơi vẫn nói là chưa, vậy Sở phải kiểm tra xem khó khăn là gì, ở đâu để có giải pháp khắc phục...".

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các sở, ngành khác để đưa công nghệ thông tin vào hoạt động hằng ngày nhằm phục vụ người dân thuận tiện hơn, giúp việc thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ. Bản thân Sở cũng phải gắn việc ứng dụng công nghệ thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bảo đảm hiệu quả, chất lượng ngày càng cao, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra. 

"Để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, điều quan trọng là phải tuyên truyền, hỗ trợ để người dân tham gia, sử dụng phương tiện, dịch vụ công nghệ, có như vậy mới thành công" - đồng chí nói, đồng thời lưu ý để tránh bị lạc hậu trong ứng dụng công nghệ thông tin, Sở cần thường xuyên rà soát, đánh giá, so sánh với các thành phố và quốc gia khác, từ đó đưa ra định hướng phát triển ngành, bảo đảm chính xác.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ duy trì đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trước mắt hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đáng chú ý, Sở sẽ sớm thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống một cửa dùng chung.

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội cần làm tốt vai trò cầu nối


Trước buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến thăm, động viên tập thể cán bộ, phóng viên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội nhân kỷ niệm 15 năm thành lập (tháng 10/2003- tháng 10/2018).

Báo cáo với Bí thư Thành ủy, Giám đốc Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội Hoa Thanh Hải cho biết, trong 15 năm qua, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã đăng tải trên 95.000 tin, bài; trên 2.200 video clip; trên 9.400 tin tiếng Anh; đăng tải công khai 2.735 thủ tục hành chính; cập nhật trên 2.500 văn bản quy phạm pháp luật, trên 5.800 văn bản chỉ đạo điều hành của thành phố. Ngoài ra, Cổng đã đăng gần 100 dự thảo văn bản xin ý kiến công dân. Cổng cũng tiếp nhận và chỉ dẫn về thủ tục hành chính cho trên 41.000 lượt công dân gọi đến tổng đài. Lượng truy cập của Cổng ngày một tăng, trong 15 năm qua đã có trên 200 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày gần 20.000 lượt truy cập.

Chúc mừng những kết quả mà Cổng Giao tiếp điện tử đạt được trong 15 năm qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị tập thể cán bộ, phóng viên Cổng Giao tiếp điện tử tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thường xuyên cập nhật, so sánh, đối chiếu với Cổng Thông tin của các thành phố lớn trong nước cũng như các nước trong khu vực, từ đó không ngừng đổi mới để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền thành phố với các tổ chức, công dân; thông tin chính xác, kịp thời về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố; đồng thời thực hiện tốt hơn vai trò tham mưu cho thành phố, cho Sở Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.