Chính trị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Nơi nào, cá nhân nào trì trệ, né tránh sẽ bị xử lý kỷ luật

Hà Vũ, ảnh: Viết Thành 05/12/2023 17:10

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã chỉ đạo HĐND thành phố trong năm 2024 giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Kế hoạch của Thành ủy cũng kiểm tra về việc này. Nơi nào, cá nhân nào để xảy ra tình trạng trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật.

Chiều 5-12, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính tại trụ sở HĐND - UBND quận Hoàng Mai kết nối với các điểm cầu hai quận, huyện.

img_5953.jpeg
Các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri tại các điểm cầu hai quận, huyện truyền về điểm cầu chính.

Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Dự hội nghị có: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số sở, ngành và hai địa phương...

img_5296.jpeg
Các đại biểu dự tại điểm cầu quận Hoàng Mai.

Cử tri nêu nhiều vấn đề quản lý đô thị

Mở đầu, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đã báo cáo nhanh kết quả Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV; tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri hai địa phương; báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của Tổ đại biểu Quốc hội số 4 thành phố Hà Nội.

Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 4 đánh giá cao kết quả, sự đổi mới của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu; cũng như kết quả hoạt động của Tổ đại biểu Quốc hội số 4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong năm 2023 và tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV.

7 cử tri hai địa phương đồng thời nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sinh ở địa phương.

Cử tri Bùi Đức Anh (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đề nghị thành phố giữ nguyên quy hoạch công viên và cây xanh đối với ô đất tiếp giáp tuyến đường phía đông Trung tâm hành chính quận, đôn đốc chủ đầu tư là Công ty Gamuda đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Cử tri Nguyễn Trí Nguyện (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) phản ánh, hiện nay, việc xả thải của xã Tân Lập, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chảy vào mương tiêu Cửa Nghè của thôn Đình Vỹ, xã Yên Thường gây ô nhiễm môi trường nặng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với UBND thành phố làm việc với tỉnh Bắc Ninh thống nhất phương án xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

img_5299.jpeg
Cử tri quận Hoàng Mai phát biểu ý kiến.

Cử tri Trần Xuân Điệu (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội triển khai đầu tư sớm khép kín tuyến đường Vành đai 3,5 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn đi qua huyện Gia Lâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cử tri Nguyễn Đức Kiệm (Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 35, 36, 37 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại các quy định pháp luật về nhà chung cư, đồng thời bổ sung các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Ban Quản trị khi có vi phạm.

Cử tri Nguyễn Kim Thoa (Bí thư chi bộ tổ dân phố số 19, 20 - Pháp Vân Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nêu Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt được bàn giao từ năm 2015, nhưng trong số 3 khu nhà còn lại cho sinh viên thuê (nhà A6, A5, A1), chỉ có duy nhất 1 khu đang hoạt động, với số lượng sinh viên đến ở chỉ đạt khoảng 30%. Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng của các khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội, góp phần cung cấp thêm nhà ở giá rẻ cho các đối tượng thuộc diện chính sách, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

img_5292.jpeg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao đổi, giải trình các vấn đề cử tri nêu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong đó khẳng định sau hội nghị sẽ giao các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ xem xét cụ thể để giải quyết các vấn đề cử tri nêu.

Người đứng đầu phải gương mẫu, sâu sát, quyết liệt

Thay mặt Tổ đại biểu trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, xem xét từng vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, vì mỗi quyết sách của Quốc hội đều sẽ tác động rất lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Đây cũng là lý do có những dự án luật, như Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua.

Thông tin nhanh với cử tri về việc Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận rất cao, tại phiên thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ. Nhiều ý kiến thậm chí còn đề nghị phân cấp mạnh hơn nữa cho Hà Nội.

img_5956.jpeg
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu trao đổi với cử tri.

“Trên cơ sở ý kiến tại Kỳ họp, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu tối đa; từ nay đến tháng 5-2024, tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy”, Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin, đồng thời cho biết đã chỉ đạo UBND, HĐND thành phố bắt tay ngay vào chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là có thể triển khai thực hiện ngay.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua sẽ tạo điều kiện rất lớn để Hà Nội phát triển, nhất là có điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng, hiện thực hóa các quy hoạch chiến lược như hình thành 2 thành phố ở phía Bắc và phía Tây, vừa giảm tải cho nội đô, vừa tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô; xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng, chuẩn bị dự án đường sắt đô thị...

Cùng với hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố sẽ tập trung hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phấn đấu kịp trình Quốc hội thông qua cả 3 nội dung này vào Kỳ họp thứ bảy.

img_5955.jpeg
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu trao đổi với cử tri.

Trao đổi về những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong đó có quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh được thành phố giao, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh đầu tư phát triển các lĩnh vực, nhất là giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nâng cao đời sống nhân dân.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố; người đứng đầu phải gương mẫu, sâu sát, quyết liệt.

“Trong năm 2024, chúng tôi đã yêu cầu HĐND thành phố giám sát việc này. Thành ủy cũng sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nơi nào, cá nhân nào để xảy ra tình trạng trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật”, Bí thư Thành ủy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Nơi nào, cá nhân nào trì trệ, né tránh sẽ bị xử lý kỷ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.