Trong vô vàn lo lắng của các bậc phụ huynh, chiều cao của trẻ luôn là một đề tài được bàn tán, trao đổi nhiều. Sau đây là một vài bí quyết của các bà mẹ người Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore để thúc đẩy chiều cao của con cái.
1. Hàn Quốc: Không mặc quần áo bó sát
Ngoài việc cho trẻ ngồi và đứng đúng tư thế, các bà mẹ Hàn Quốc còn hạn chế việc mặc quần áo quá bó cho con nhỏ. Bởi điều này ảnh hưởng tới việc tuần hoàn máu ở vùng chân, không có lợi cho tăng trưởng chiều cao.
Tích cực leo dốc
Cha mẹ có thể tìm những ngọn đồi dốc khoảng 15 độ, quãng đường từ 20-30m để rủ trẻ chơi trò leo dốc. Việc leo những con dốc này khiến toàn thân trẻ từ từ thả lỏng và nhoài về phía trước. Khi xuống đồi, phụ huynh nhắc trẻ đi những bước nhỏ. Hình thức vận động này rất có hiệu quả để kích thích chiều cao.
Cười mỗi ngày
Lượng hormone tăng trưởng của một đứa trẻ tiết ra khi bé cười sẽ nhiều hơn lúc bé không vui vẻ là khoảng 10%. Do đó, phụ huynh nên tránh để trẻ rơi vào tâm trạng tiêu cực, buồn bã, điều này không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần mà còn tác động tới sự phát triển của trẻ.
Không cho bú đêm
Sau khi chìm vào giấc ngủ từ 1-4 tiếng, hormone tăng trưởng sẽ tiết ra đạt đỉnh vậy nên việc đánh thức bé tỉnh giấc để cho bú đêm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Từ khi trẻ được 4 tháng tuổi, cho đến muộn nhất là 8 tháng tuổi nên dừng việc bú đêm. Nếu trẻ được đi ngủ đúng giờ thì sẽ tạo ra chu kỳ giấc ngủ lành mạnh và thời gian tiết hormone tăng trưởng sẽ được kéo dài thêm.
2. Nhật Bản: Mỗi bữa sáng đều có cá
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 1960-1975, chiều cao của thanh thiếu niên Nhật Bản tăng lên được 2,8cm (đối với nam giới) và 2,5cm đối với nữ giới. Điều này được coi là hiện tượng “phát triển thể chất một cách thần kỳ”.
Yếu tố đầu tiên khiến chiều cao của người Nhật tăng nhanh là do coi trọng cân bằng dinh dưỡng. Một cuộc “cách mạng” chế độ dinh dưỡng kéo dài nửa thế kỷ đã được thực hiện tại xứ sở hoa anh đào, trong đó bao gồm tập trung vào bữa sáng. Bữa sáng thông thường của gia đình người Nhật phong phú với 1 quả trứng, 1 miếng cá tuyết, 2 miếng chân giò hun khói, 2 con tôm, 2 miếng rong biển, một ít dưa chua, 1 quả mận, 1 nửa bát canh và một ít cơm. Bữa sáng của người Nhật thường là nhiều món ăn nhưng ít về số lượng. Từ những năm 1950, người Nhật đã ý thức được việc cần làm phong phú bữa ăn, tăng tiếp nạp ngô, lúa mì và duy trì ăn cá tuyết vào bữa sáng. Dưỡng chất trong loài cá này rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nhật cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới các bà nội trợ nhiều thông tin để cải thiện bữa ăn, như 30 loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng.
Ngoài ra, từ các lớp mầm non tới cấp hai ở Nhật Bản đều được tuyên truyền và thực hiện “giờ uống sữa” –10 giờ sáng hàng ngày, mỗi học sinh được uống 1 cốc sữa có số dung tích tùy theo độ tuổi.
3. Singapore: Một tuần có 3 tiết thể dục
Tại Singapore, mọi người đều yêu thích vận động. Các trường học tại đảo quốc này cũng không vì thời gian học các môn văn hóa dày đặc mà bỏ hoặc cắt ngắn tiết học thể dục. Từ khi học mẫu giáo, mỗi ngày trẻ có 2 tiếng chơi ở ngoài trời. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen yêu thích vận động. Hơn nữa, độ tuổi từ 0-3 là lúc xương của trẻ tăng trưởng rất nhanh, tăng thời gian vận động hiệu quả là có thể thúc đẩy xương phát triển.
Ở độ tuổi tiểu học và trung học, mỗi tuần nhà trường sắp xếp 3 tiết thể dục, mỗi tiết dài 30 phút với các môn: bóng chuyền, bóng rổ, nhảy cao… Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức những nhóm thể thao theo sở thích cho học sinh để sau giờ học các nhóm này có thể cùng nhau vận động khoảng 2 tiếng trước khi về nhà. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia chỉ ra rằng, trẻ nên hoạt động nhiều hơn là ngồi một chỗ, bởi ngồi nhiều sẽ khiến con người thấp đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.