(HNM) - Cho đến nay Plesetsk vẫn là sân bay vũ trụ lớn thứ hai của Nga, đồng thời là cảng vũ trụ duy nhất trên lục địa châu Âu. Plesetsk nằm cách thủ đô Mátxcơva 800km về phía Bắc. Sân bay vũ trụ này được xây dựng từ năm 1957 với mục đích vừa làm căn cứ tên lửa chiến lược vừa là một sân bay vũ trụ quân sự bí mật của Liên Xô trước đây.
Sự tồn tại của sân bay vũ trụ này đã được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ do nó được sử dụng để phục vụ riêng cho việc phóng các vệ tinh quân sự của Liên Xô trước đây. Căn cứ này đã là nơi ra đời của nhiều loại tên lửa chiến lược nổi tiếng. Nơi đây cũng từng là sân bay vũ trụ tấp nập nhất thế giới. Là một căn cứ lớn nên các hoạt động của Plesetsk không tránh khỏi sự nhòm ngó của các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, mọi hoạt động do thám đều thất bại.
Một phần sân bay vũ trụ Plesetsk hiện nay. |
Ít người biết rằng, những người đầu tiên ở ngoài Liên Xô khám phá ra sự tồn tại của sân bay vũ trụ này lại là một nhóm bạn trẻ. Những học sinh Trường Kettering, ở Northamptonshire, Anh cùng thầy giáo dạy vật lý Geoffrey Perry đã làm được điều mà các cơ quan tình báo Mỹ không thể làm nổi. Năm 1966, với việc theo dõi quỹ đạo và tín hiệu radio của những vệ tinh Cosmos 112 được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk, họ đã xác định được rằng những vệ tinh này không thể được phóng đi từ những sân bay vũ trụ đã được biết tới trước đó. Họ suy luận và cho rằng, những vệ tinh Cosmos 112 đã được phóng đi từ một sân bay vũ trụ bí mật. Nhằm tìm hiểu đến tận cùng vấn đề, thầy G.Perry và các học sinh đã thành lập ra một nhóm nghiên cứu mang tên "Nhóm Kettering" để tiếp tục theo dõi quỹ đạo của những vệ tinh do Liên Xô phóng đi từ sân bay vũ trụ bí mật này. Chỉ với một số thiết bị theo dõi tín hiệu sóng ngắn radio đơn giản và rẻ tiền, cùng với sự kiên trì hiếm thấy, "Nhóm Kettering" đã tính toán và chỉ ra chính xác vị trí phóng vệ tinh. Không chỉ có vậy, "Nhóm Kettering" còn xác định được những vệ tinh nào đã được phóng đi. Phát hiện của "Nhóm Kettering" đã được Thời báo Niu Yoóc (Mỹ) công bố trước dịp lễ Giáng sinh năm 1966 và làm cho nhiều cơ quan tình báo và an ninh của cả Liên Xô và Mỹ phải "giật mình". Vậy là nhờ sự khám phá của thầy trò Trường Kettering, cả thế giới đã biết về sân bay vũ trụ Plesetsk, mặc dù đến năm 1983, Chính phủ Liên Xô mới chính thức công bố về sự tồn tại của nó. Ngày nay, sân bay vũ trụ Plesetsk vẫn được bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt.
Sân bay vũ trụ Plesetsk trông như một khu đô thị nhỏ ở vùng rừng núi. Có một đường xe lửa giúp cho việc chuyên chở các bộ phận cấu thành của tên lửa đẩy và vệ tinh. Khu đô thị này có tên Mirny, theo tiếng Nga có nghĩa là hòa bình. Đây là thành phố được xây dựng khá tiện nghi với những tòa nhà khang trang, trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim, câu lạc bộ sĩ quan, công viên, trung tâm thể thao, cửa hàng, khách sạn… để phục vụ các nhân viên quân đội làm việc tại sân bay vũ trụ này và gia đình.
Đến khoảng năm 1997, đã có hơn 1.500 cuộc phóng vệ tinh lên không gian từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Con số này lớn hơn rất nhiều so với bất cứ sân bay vũ trụ nào khác của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Sau một giai đoạn lịch sử phải đứng trong màn đêm bí mật để phục vụ các nhiệm vụ quân sự của thời kỳ chiến tranh lạnh, giờ đây tương lai của sân bay vũ trụ Plesetsk đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.