Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí mật khủng khiếp bên trong "cỗ máy bắt cóc" của IS

Mai Chi| 23/09/2015 11:11

(HNMO) - Theo ước tính của cơ quan tình báo Mỹ, các hoạt động bắt cóc đem lại 25 triệu đôla lợi nhuận cho nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ riêng trong năm 2014. Tổ chức này cũng coi đây là một công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền sức mạnh bản thân.


Nhà báo Syria Omar Al-Maqdud từng có cơ hội tiếp xúc với những người có liên quan đến mạng lưới bắt cóc này và đã công bố những thông tin mà mình ghi nhận được.

Hai năm trước, nhà báo Mỹ Steven Sotloff gặp tôi và chia sẻ về kế hoạch đến Syria của mình.

Tôi đã nhiều lần cố gắng thuyết phục anh ấy từ bỏ ý định, nhưng tất cả đều vô ích. Ba ngày sau. Sotloff gửi email cho tôi từ một khu vực gần thành phố Aleppo (Syria) để nhờ sự giúp đỡ. Không lâu sau đó, tôi nhận được tin anh ấy bị bắt cóc.

Yusuf Abubaker – người đồng hành cùng Steven Sotloff kể lại: “Tôi nhìn thấy 3 chiếc ô tô từ phía xa, cách chỗ chúng tôi khoảng 500m. Những kẻ bắt cóc ngay lập tức xuống xe và chặn đường chúng tôi. Tôi đã cố gắng tìm cách tự vệ, nhưng bọn chúng có tới gần 15 người và đều được trang bị súng tự động”.

Ảnh chụp nhà báo Steven Sotloff năm 2010


“Tôi và Sotloff bị tách khỏi nhau. Tôi cố gắng gào tên anh ấy, và bọn chúng liên tục bảo tôi hãy im mồm lại”. Sau 15 ngày bị giam giữ, Abubaker được thả tự do vì có mối liên hệ mật thiết với lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA).

Một năm sau, vào tháng 9 năm 2014, IS công bố một đoạn băng ghi lại cảnh nhà báo Sotloff bị chặt đầu. Tiếp sau đó là hàng loạt đoạn ghi hình tương tự, trong đó có nhà báo James Foley.

Ảnh chụp nhà báo James Foley năm 2011


Kể từ năm 2011, có tất cả 181 nhà báo, nhà báo công dân và blogger bị sát hại tại Syria. Ít nhất 29 người vẫn đang mất tịch hoặc bị giam giữ bởi IS và các nhóm vũ trang cực đoan.

Tại thị trấn biên giới Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ), tôi gặp Abu Huraira – một người Syria từng là tay sai cho IS. Ông cho biết mình chuyên truy lùng những phóng viên đưa tin về cuộc xung đột và dàn xếp để IS bắt cóc họ.

Huraira giả làm một người dân tị nạn Syria và nhờ người trung gian giới thiệu với các nhà báo. Sau vài lần gặp gỡ, ông sẽ đề nghị ghi hình ở một địa điểm gần biên giới. “Chúng ta có thể ghi được hình ảnh của những đứa trẻ, và tôi sẽ giới thiệu anh với nhiều người có liên quan”.

Biên giới của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Huraina dàn dựng các vụ bắt cóc


Sau đó, Huraira cung cấp cho bọn bắt cóc kế hoạch chi tiết. “Mọi việc đã được sắp xếp trước, và tôi chỉ việc dẫn nạn nhân tới. Đôi lúc bọn chúng cũng giả vờ bắt cóc cả tôi”.

Khi cuộc xung đột mới nổ ra, Abu Huraira là một thành viên của FSA. Ông từng hoạt động cho một nhóm nhỏ trực thuộc al-Qaeda trước khi chính thức làm việc cho IS.

Mọi thứ thay đổi khi Huraira được yêu cầu gài bẫy một trong những người bạn của mình. “Tôi không thể để bạn mình gặp nguy hiểm. Tôi bảo cậu ấy phải rời khỏi đó ngay lập tức, bởi cậu đã trở thành mục tiêu của bọn chúng”.

Abu Huraira cho tôi xem hình của những con tin, các tin nhắn và băng ghi âm các cuộc trò chuyện của ông với thủ lĩnh của IS tại tỉnh Raqqa (Syria). Chúng cho thấy việc bắt cóc đã được lên kế hoạch và chuẩn bị hết sức cẩn thận.

Giống như Huraira, có rất nhiều người sẵn sàng cung cấp thông tin cho bọn bắt cóc vì lý do niềm tin, hoặc có thể chỉ vì tiền.

Huraira cho biết đã từng nhìn thấy tôi một năm trước tại Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ), và ông ta suýt bán tôi để đổi lấy vài nghìn đôla. Ông ta biết rõ tôi ở đâu, làm gì, với ai và cả dự định vượt qua biên giới của tôi. Những thông tin này đã được chuyển cho IS. Thật may mắn vì chúng tôi đã hủy chuyến đi vào phút chót.

IS có hẳn một ban chuyên trách thực hiện các vụ bắt cóc với tên gọi “Bộ máy tình báo”. Chúng nhắm vào những nhà báo ngay từ giây phút họ đặt chân đến các thành phố gần biên giới Syria.

Đôi khi, hành động bắt cóc của IS không nhằm mục đích kiếm tiền chuộc mà là để trừng phạt.

Đầu năm 2014, những kẻ bịt mặt đã đột nhập vào văn phòng của nhà báo Syria Milad Al Shihaby ở thành phố Aleppo. Đây là hành động trả thù sau khi nhà báo này có những báo cáo về tội ác của IS. Shihaby kể lại: “Chúng lấy đi tất cả những thiết bị điện trong văn phòng như máy quay phim, máy ảnh, máy tính. Tôi bị tống vào cốp xe và đưa đến căn cứ tại một bệnh viện nhi”.

Shihaby hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ


Shihaby bị giam giữ tại một bệnh viện cũ ở thành phố Aleppo. Có khoảng 200 người Syria khác cũng bị nhốt tại đó.

“Chúng bịt mắt tôi trong suốt 13 ngày. Tôi cầu nguyện và ăn uống hoàn toàn trong bóng tối”.

Sau đó, Shihaby được chuyển đến một căn phòng rộng hơn. Anh còn nghe thấy tiếng những con tin khác bị tra tấn. “Chúng treo một người đàn ông trong suốt vài giờ đồng hồ. Vì không có đủ dây thừng nên có những người bị treo bằng còng tay”.

Shihaby chỉ về phía những sợi dây thừng từng treo các con tin


Một số người bị giam cùng Shihaby đã bị hành quyết vì không chịu cải sang đạo Hồi.

Khi FSA chiếm được quyền kiểm soát tại khu vực này, những tù nhân đã được trả tự do. Tổng cộng Al Shihaby đã bị giam giữ 16 ngày.

Nơi Shihaby bị giam giữ


Các trường hợp bắt cóc nhà báo nước ngoài đầu tiên được ghi nhận ở Syria vào năm 2012. Một trong số họ là Austin Tice đến từ Texas (Mỹ). Anh bị bắt gần thủ đô Damascus của Syria vào tháng 8 năm 2012, chỉ ít ngày sau sinh nhật lần thứ 31 của mình.

Austin Tice


Gia đình Austin cho biết: “5 tuần sau khi Austin biến mất, một đoạn video dài 43 giây ghi lại cảnh Austin bị giam giữ bởi một nhóm người có vũ trang không rõ danh tính được công bố. Không có lời nhắn nào kèm theo, chỉ có tiêu đề: Austin Tice vẫn còn sống”.

Hiện vẫn chưa rõ Austin đang ở đâu, và tổ chức nào chịu trách nhiệm cho sự biến mất của anh.

Vậy tại sao một số con tin lại được trả tự do?

Tôi đã liên hệ với một số kẻ trung gian làm nhiệm vụ thỏa thuận, và được biết về một doanh nhân thường xuyên di chuyển giữa Paris (Pháp) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Khi gặp mặt, tôi nhận ra đây là một người mà mình đã biết từ trước. Tên anh ta là Moutez Shaklab.

Moutez Shaklab


Shaklab hoạt động với vai trò trung gian giữa những kẻ bắt cóc và gia đình nạn nhân, thông qua mạng lưới các mối quan hệ tại Syria.

Shaklab cho biết: “Tôi gọi cho những kẻ bắt cóc, và hỏi chúng liệu có biết người này không. Chúng nói có. Sau đó tôi sẽ yêu cầu chúng đưa ra bằng chứng, ví dụ như tên anh trai quá cố của người này là gì… Nếu tôi nhận được câu trả lời chính xác, tức là người tôi cần tìm vẫn còn sống”.

Shaklab đã tham gia quá trình thỏa thuận để trả tự do cho nhà văn Bỉ Pierre Piccinin da Prata và nhà báo Italy Domenico Quirico.

“Tôi chứng kiến người đại diện của gia đình họ trả số tiền chuộc là 4 triệu đôla. Khoản tiền được chuyển đến bằng xe tải, và được sắp xếp vào các vali sau khi bọn bắt cóc đã kiểm xong”.

Trong một vài trường hợp, hành động bắt cóc của IS không vì tiền chuộc mà là một hình thức tuyên truyền và chứng minh sức mạnh của mình.

Điều khiến tôi thấy sốc nhất không phải là các đoạn băng ghi lại cảnh chặt đầu con tin mà là việc những người Syria bị mua chuộc và dính líu đến thế giới đen tối đó, khiến những người bạn thân thiết trở thành kẻ phản bội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí mật khủng khiếp bên trong "cỗ máy bắt cóc" của IS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.