(HNM) - Đến năm 2009, TP Hồ Chí Minh có hơn 100 xã, phường sản xuất rau với diện tích gieo trồng gần 11.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức và quận 12.
Rau sạch chỉ được bán rất ít trong siêu thị. |
Năng suất trung bình đạt 22 tấn/ha, đáp ứng được 30% nhu cầu TP. Theo ông Mai Xuân Phú, Giám đốc Công ty Nông phẩm Xanh: "Hiện tại, có rất nhiều HTX, cơ sở sản xuất rau có đủ khả năng để đáp ứng tiêu chuẩn Việt GAP (Good Agricultural Practices) của Bộ NN&PTNT ban hành. Nhưng, vấn đề không phải nằm ở khâu kỹ thuật mà đầu ra - hệ thống phân phối mới quyết định sự "tồn vong" của những cơ sở này". Mỗi ngày, chỉ có 4-6 tấn rau an toàn được đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, còn lại 30-35 tấn phải bán ra chợ đầu mối với giá rẻ hơn rau thường. Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ rau xanh mỗi ngày của người dân khoảng 1.200 tấn/ngày. Trong đó, chỉ có 5-6 tấn rau là được sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn, chủ yếu cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố.
Nông dân sản xuất rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh làm ra hàng mà không biết bán cho ai, bị tư thương ép giá. Trong khi đó, siêu thị lại cho rằng họ không có đủ rau an toàn để bán mà phải lấy hàng từ các địa phương khác. Vì vậy, người trồng rau phải đem hàng ra chợ bán như rau thường. Nhiều HTX rau an toàn hiện nay chỉ sản xuất cầm chừng hoặc giải thể do giá cả quá "bèo", không đủ tái đầu tư sản xuất. Khu vực HTX Ngã Ba Giồng, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), sản xuất từ 15-20 tấn/ngày nhưng lượng hàng có hợp đồng đưa vào siêu thị (Co.opMart, Maximark, Công ty Rau quả V.F) chưa tới 1 tấn. Khu vực ấp Đình, xã Tân Phú Trung và xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), sản xuất 20-25 tấn rau/ngày, nhưng cũng chỉ giao hàng, có hợp đồng 2-3 tấn. HTX rau sạch Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) là mô hình trồng rau an toàn trọng điểm của TP trong chủ trương phát triển rau sạch được lập ra cách nay 3 năm.
Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sản xuất, sản phẩm của HTX bị ứ đọng không bán được vì giá thành cao. Nguyên nhân, do HTX không xây dựng được kênh bán hàng riêng mà đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường. Một nông dân bức xúc: "Sản xuất rau an toàn nhưng lại bán không được, chủ yếu chỉ bán ra chợ như rau thường. Làm ra 1kg rau an toàn giá thành hết 1.500 đồng, nhưng tư thương ép giá còn 1.000 đồng còn rẻ hơn rau thường". Còn ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tân Phú Trung chua xót nói: "Với giá bán ra quá rẻ chỉ vài trăm đồng cho đến một nghìn đồng/kg nên lỗ nặng, không ai còn tâm trí để ra đồng. Tôi xin trả lại chức chủ nhiệm nhưng không ai dám nhận. Hiện HTX không còn hoạt động, ông Toàn buộc phải chuyển sang nghề lái xe để nuôi sống gia đình. Giờ chỉ còn một vài hộ còn bám đồng do không có nghề gì để làm". Ông Nguyễn Hoàng, Tổ trưởng tổ rau an toàn Tân Phú Trung cho biết, trước đây tổ có 14ha, nhưng nay chỉ còn vài hécta; nhiều hộ trồng rau đã chuyển nghề sang nuôi bò, đi làm thuê kiếm sống, thậm chí có người còn bán cả đất.
Vì sao nên nỗi?
Đại diện các HTX cho biết: Việc buôn bán với siêu thị, hai bên chỉ có hợp đồng kinh tế, không có ký hợp đồng về số lượng cho nên khi cần họ lấy hàng, lúc không cần thì giảm số lượng không thương tiếc. Người trồng rau bị động cả đầu vào lẫn đầu ra nên họ không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chỉ sản xuất cầm chừng. Chưa hết, nông dân còn bị siêu thị thanh toán chậm 10-20 ngày nên không có tiền để tái sản xuất mà phải vay bên ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Phụng (Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh), các siêu thị không hướng dẫn thông tin cho HTX hoặc nông dân về quy cách sản phẩm, hoặc đưa ra quy cách quá chặt, nông dân không thể nào thực hiện được. Siêu thị cần chủng loại rau gì, hàng hóa như thế nào, số lượng ra sao đều không có thông tin đến người trồng rau.
Ông Võ Trần Ngọc, Phó Giám đốc thu mua Saigon Co.op, cho biết: Mỗi ngày hệ thống siêu thị Co.opMart tiêu thụ từ 40-45 tấn rau củ. Lượng thu mua tại TP chỉ chiếm 20%, số còn lại phải lấy hàng từ các tỉnh. Vấn đề là các hộ trồng rau ở TP chỉ tập trung vào một số loại như mồng tơi, rau dền, rau muống nên số lượng dư thừa, không thể bao tiêu hết được. Trong khi những loại rau củ có giá trị cao (đậu cô ve, bông cải...) lại không được trồng. Ông Ngọc nhấn mạnh: Sản phẩm đưa vào siêu thị chưa được xử lý tốt (cắt gọt chưa sạch, độ ẩm cao), chưa kể hàng hư hỏng quá nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HTX Tân Phú Trung cho biết: "Trung bình mỗi ngày lượng rau an toàn dư thừa mà người dân phải bỏ đi khoảng từ 1 đến 2 tấn. Sở dĩ có tình trạng này là vì kênh tiêu thụ rau an toàn của chúng tôi ở hệ thống Metro giờ không còn như trước. Giá rau cứ bị ép phải giảm, nhưng chúng tôi không thể nhượng bộ với Metro mãi, vì xã viên của mình bị thiệt thòi nhiều quá rồi. Mặt khác, muốn tìm thêm đối tác ở các siêu thị cũng không dễ, vì họ đã có nguồn cung cấp ổn định từ lâu, mình không thể chen ngang vào. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì khả năng hợp tác xã phải ngừng hoạt động là không thể tránh khỏi".
Câu chuyện "đầu ra - đầu vào" cho rau an toàn đang là một bài toán khó giải hiện nay. Vấn đề là các cơ quan chức năng TP cần tìm ra một "tiếng nói chung" giữa người sản xuất với nơi tiêu thụ. Đó cũng là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.