(HNM) - Hạng 75kg nữ trở thành điểm nóng ở Nhà thi đấu Bưu điện (Đà Nẵng), nơi diễn ra các cuộc thi cử tạ. Ở nội dung cử giật, sau 2 lần nâng tạ hỏng, trong lần thi cuối, Dương Thị Ngọc (Hà Nội) đạt mức tạ 98kg. Nếu thành công, Ngọc đoạt HCV, nếu không thì Ngọc không đoạt huy chương.
Ngay sau khi Ngọc nâng thành công và ném tạ xuống sau hiệu lệnh trọng tài thì tranh cãi nảy ra. Tổng giám sát trọng tài Đỗ Đình Kháng đã không công nhận thành tích của Ngọc vì cho rằng một bên tạ đã rơi ra ngoài sàn đấu, phạm luật thi đấu (cả hai bên tạ cùng rơi trong sàn đấu mới được công nhận thành tích). Đoàn Hà Nội đã khiếu nại và cho rằng, Dương Thị Ngọc đã ném cả 2 bên tạ rơi đúng sàn thi đấu trước khi văng ra ngoài. Sau một hồi tranh luận, BTC quyết định không công nhận kết quả thi đấu của Dương Thị Ngọc nhưng với lý do, khi ném tạ xuống thì tay của Ngọc vẫn rung (cũng là phạm luật thi đấu). Cách bắt lỗi một kiểu và giải thích một kiểu khiến đoàn Hà Nội một lần nữa viết đơn khiếu nại. Đến lúc này Tổng giám sát trọng tài Đỗ Đình Kháng mới trực tiếp giải thích rằng Ngọc bị bắt lỗi vì ném một bên tạ rơi ra ngoài sàn thi đấu. Ông Kháng lên tận sàn đấu chỉ vào vết nứt trên đó để chứng minh một bên tạ của Ngọc đã rơi ra ngoài. Tuy vậy đoàn Hà Nội lại lập luận, nếu bên tạ kia rơi thẳng xuống sàn thì phải tạo nên vết thủng chứ không phải là nứt vỡ như ông Kháng đã chứng minh. Sau đó dù chấp nhận phán quyết của Tổng giám sát trọng tài nhưng đoàn Hà Nội vẫn không tâm phục khẩu phục.
Ban Tổ chức xem lại băng hình về pha ném tạ gây tranh cãi của Dương Thị Ngọc. |
Câu chuyện này sẽ còn gây tranh cãi nhưng vấn đề trên sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu BTC đặt máy quay ở phía trước và 2 cạnh sàn đấu, qua đó sẽ xác định lỗi nhanh chóng, rõ ràng. Tuy nhiên chỉ có một máy quay đặt trước sàn đấu và lại là của một thành viên đoàn TP Hồ Chí Minh. Mặt khác trình độ trọng tài cũng hạn chế, như chính ông Đỗ Đình Kháng đã thừa nhận, bởi nếu trọng tài để Ngọc giữ tạ ổn định rồi mới ra hiệu lệnh hạ tạ thì đã không nên chuyện.
Dù Dương Thị Ngọc trắng tay nhưng đoàn Hà Nội vẫn áp đảo. Các lực sĩ Hà Nội giành tới 8/12 HCV trong đó vô địch SEA Games 25 Nguyễn Thị Phương Loan (69kg), Lưu Văn Thắng (94kg) giành 3 HCV, Lưu Tuấn Dũng (85kg) - 2 HCV.
Môn điền kinh, BTC cũng phải xem xét việc trọng tài bắt lỗi VĐV Đắc Lắc vì dẫm vào đường chạy trong lượt chạy thứ 2 chung kết 4x800m nam. Ở nội dung này, đoàn Đắc Lắc đã giành HCV - một thành tích chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử ngành thể thao tỉnh. Cũng vì thế mà HLV của Đắc Lắc đã khẳng định sẽ kiện tới cùng nếu BTC xác định VĐV tỉnh nhà cố tình phạm lỗi. Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài hơn 1 giờ, BTC đã xác định rằng VĐV Đắc Lắc dẫm vào đường chạy là do vô tình va chạm với VĐV Quảng Trị. Vì vậy thành tích của đoàn Đắc Lắc được giữ nguyên.
Buổi thi đấu chiều 29-12, Vũ Thị Hương dễ dàng giành HCV 200m với 22''27 đồng thời phá kỷ lục quốc gia (kỷ lục cũ là 22''30 của chính cô). Cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Nhật Thanh (Đà Nẵng) trong lần thi quốc gia cuối cùng cũng đoạt HCV nhảy 3 bước với 13m69 (phá kỷ lục đại hội và chạm mức HCB SEA Games). Trương Thanh Hằng dù nỗ lực nhưng không giúp được đội Ninh Bình giành huy chương tại nội dung 4x800m nữ.
Môn bơi, những kình ngư nổi tiếng như Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng), Dương Thị Thơm (Quảng Ninh) đều giành HCV. Riêng Kim Tuyến (TP Hồ Chí Minh) giành 2 HCV khi tham gia 3 nội dung.
Trên bảng xếp hạng, Hà Nội dẫn đầu (184 HCV, 139 HCB, 131 HCĐ), nhì - TP Hồ Chí Minh (120 HCV, 104 HCB, 129 HCĐ), ba - Quân đội (66 HCV, 81 HCB, 71 HCĐ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.