Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bị động bảo hiểm thất nghiệp

Bách Sen| 19/04/2011 06:23

Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những thủ tục bắt buộc để đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, theo Luật BHXH, nó lại không thuộc quyền chủ động của người lao động (NLĐ) mà tùy thuộc vào doanh nghiệp, người sử dụng lao động khiến không ít NLĐ không thể làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.


Đóng góp 1% mức lương được hưởng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ sau 15 ngày mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tối đa là 12 tháng. Đây là chính sách hợp lòng dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nên số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Nhưng đến hết tháng 2-2011, chỉ có khoảng 176,9 ngàn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tổng số 225,6 ngàn người đăng ký thất nghiệp. Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp còn chậm và số lượng người đủ điều kiện được hưởng thấp là do thủ tục chốt sổ BHXH. Theo quy định hiện hành, trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan bảo hiểm chốt sổ cho NLĐ. Mặc dù vậy, thủ tục chốt sổ ở nhiều địa phương hiện nay đang gặp khó, do có quá nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp. Trong khi NLĐ chỉ có 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp phải nộp sổ BHXH có xác nhận thời gian tham gia BH thất nghiệp mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, có trường hợp chưa kịp nhận sổ BHXH thì đã hết thời gian nộp sổ để đăng ký BH thất nghiệp. Cũng vì quy định gây khó kể trên, nhiều lao động khi thôi việc, vì nhiều lý do bất khả kháng như bị tai nạn bất ngờ chưa thể kịp đăng ký trợ cấp thất nghiệp theo hạn định cũng bị mất quyền lợi.

Nên chăng, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nên quy định một khoảng thời gian dài hơn (có thể 3 đến 6 tháng), nếu NLĐ có nhu cầu hưởng BH thất nghiệp thì đăng ký thất nghiệp. Mặt khác, cần có chế tài mạnh đối với các cơ sở cố tình chây ỳ thời hạn đóng BHXH. Làm cách này vừa giúp giảm bớt thời gian chờ đợi cho NLĐ, vừa để chính chủ sử dụng lao động không thể "nhờn" với luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bị động bảo hiểm thất nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.