Đây là tuyên bố của luật sư Bertrand Repolt, ngày 20-6, sau khi tham dự phiên điều trần thứ hai của vụ kiện do bà Trần Tố Nga đứng tên kiện 26 công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất diệt cỏ, được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1961-1971.
Theo ông Bertrand Repolt, công ty hóa chất Mỹ đã cố tình làm chậm tiến độ vụ kiện chất độc da cam tại Pháp bằng cách gây "sự cố về cái gọi là tính xác thực của các tài liệu".
Theo một số nguồn tin tại Pháp, đây là phiên tòa mang tính thủ tục để thẩm phán và luật sư các bên thẩm định hồ sơ và thống nhất lịch làm việc tiếp theo. Luật sư Bertrand Repolt đại diện cho Văn phòng luật sư "Bourdon&Forestier" nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam mang quốc tịch Pháp, đã có mặt tại tòa.
Đại diện phía bên bị có 19 luật sư đại diện cho 19 công ty hóa chất Mỹ tham gia quá trình tố tụng. Tại phiên làm việc, đại diện một số công ty hóa chất của Mỹ đã nêu lý do các tài liệu được bên nguyên gửi kèm thông báo trong đơn kiện là "không có chứng cứ rõ ràng" và đòi hỏi phải có câu trả lời.
Theo luật sư Bertrand Repolt, đây thực ra là những thủ thuật gây khó khăn nhằm mục đích khiến các thẩm phán và luật sư các bên cảm thấy mệt mỏi vì các thủ tục kéo dài. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh sức khỏe của bà Trần Tố Nga ngày một giảm sút do mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Luật sư Bertrand Repolt nhấn mạnh yếu tố cốt lõi của vụ kiện là bằng chứng có sức thuyết phục hay không và điều này sẽ được tranh luận tại các phiên tranh tụng.
Tại đây, luật sư các bên sẽ đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình, chứ không thể yêu cầu bên nguyên phải nêu chi tiết và đầy đủ trong đơn kiện. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy đây là ý đồ nhằm trì hoãn vụ kiện của các công ty Mỹ khi họ cố tình đưa vấn đề này ra trước tòa. Tuy nhiên, theo luật sư Repolt, nhiều khả năng tòa sẽ bác vấn đề này và phiên tranh tụng đầu tiên vẫn sẽ diễn ra vào giữa tháng 10 năm nay đúng theo lịch đã được ấn định tại phiên điều trần ngày 18-6.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.