(HNM) - Báo cáo 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện công vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, có hiện tượng lạm dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn. Phải chăng, chủ trương đúng đắn
Mặt trái của xã hội hóa đầu tư y tế
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hầu hết các bệnh viện (BV) công lập từ tuyến huyện trở lên đều có đầu tư xã hội hóa, mà bản chất là liên doanh, liên kết cùng khai thác với nhà đầu tư tư nhân. Tại Hà Nội, BV Việt - Đức có máy PET CT xã hội hóa, Bệnh viện K có máy xạ trị gia tốc xã hội hóa. Ở BV Bạch Mai, 90% dịch vụ khoa sinh hóa, 70% khoa chẩn đoán hình ảnh, 90% khoa y học hạt nhân, 50% khoa thận nhân tạo, 100% khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu là sử dụng trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Bằng nguồn vốn xã hội hóa, Bệnh viện Bạch Mai đã trang bị dao gamma quay để điều trị cho bệnh nhân u não. Ảnh: TTXVN |
Có máy móc, thiết bị y tế hiện đại, rõ ràng người bệnh được lợi. Lãnh đạo BV Bạch Mai từng tuyên bố, không có máy của tư nhân thì không có thiết bị hiện đại phục vụ công tác điều trị vì Nhà nước không có tiền đầu tư. Chờ sửa một chiếc máy từ đầu tư của Nhà nước phải 6 tháng với đủ thứ thủ tục giấy tờ, trong khi máy của tư nhân thì không bao giờ quá nửa tháng là sửa chữa xong. Vì vậy, trong 5 năm qua, chỉ riêng các BV thuộc Bộ Y tế đã thực hiện xã hội hóa để đầu tư, lắp đặt thiết bị cùng khai thác trị giá 700 tỷ đồng. Không chỉ BV trung ương, các BV tỉnh, huyện cũng rất tích cực xã hội hóa và nhiều trường hợp, chủ đầu tư chính là bác sĩ và lãnh đạo BV.
Hiểu rất rõ bản chất của hình thức này, Bộ Y tế chỉ ra "mặt trái" trong việc thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính là: có hiện tượng lạm dụng dịch vụ, lạm dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn. Với bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí này do bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh không phải chịu gánh "thu đủ bù chi" của các BV nhưng nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là có thật. Còn với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, ngoài nỗi đau bệnh tật còn phải mang thêm nỗi khổ mất tiền cho loại dịch vụ mình không cần đến.
Lâu nay, chuyện các BV không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau thường được giải thích vì thiếu niềm tin, vì sự chênh lệch trình độ của bác sĩ, kỹ thuật viên. Nay, nhiều ý kiến cho rằng, còn có một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là nhu cầu tận dụng, khai thác tối đa các loại máy móc, thiết bị có được từ nguồn xã hội hóa.
Nên "công ra công, tư ra tư"
Nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Dương Huy Liệu cho rằng, đầu tư cho BV tư minh bạch hơn là do tư nhân đầu tư vào BV công. Theo ông Liệu, khác với các nước tiên tiến ngay cả đầu tư tư nhân cũng là phi lợi nhuận, ở nước ta, mọi đầu tư đều tính đến lợi ích. Tháo gỡ khó khăn nguồn vốn, ông Liệu đưa ra giải pháp vay của Ngân hàng Đầu tư và phát triển, vay quỹ kích cầu. Hiện đã có 18 BV đăng ký vay nguồn vốn này như Việt - Đức, Phụ sản TƯ, Mắt TƯ, Nội tiết, Tai Mũi Họng, Châm cứu TƯ… Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đã cho vay 498 tỷ đồng, riêng BV Việt - Đức đã vay 91 tỷ đồng đầu tư cho tòa nhà kỹ thuật cao khởi công năm 2010.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, với dịch vụ y tế, không nên thừa mà chỉ cần đủ, vì đây là loại dịch vụ có điều kiện, có bệnh mới cần uống thuốc. Ông Sơn cho biết thêm, tại nhiều BV, có hiện tượng do "xã hội hóa" máy siêu âm màu, nên siêu ẩm ổ bụng cũng dùng siêu âm màu dù vẫn phải dùng đầu dò đen trắng vì đây là thiết bị chuẩn nhất với siêu âm ổ bụng. Việc sử dụng thiết bị "lệch pha" này gây tốn kém gấp 4-7 lần cho bệnh nhân. Hoặc nhiều BV xã hội hóa thiết bị đo mật độ xương, bệnh nhân nào cũng cho đi đo mật độ xương, thậm chí cả bệnh nhân cấp cứu. Bởi vậy, cũng không lạ khi bệnh nhân đau bụng được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não hoặc đau chân lại được chỉ định siêu âm ổ bụng.
Nếu không có đầu tư tư nhân, chắc chắn Việt Nam chưa có những thiết bị hiện đại như dao gamma quay, máy chụp PET CT, máy chụp mạch và bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, giai đoạn xã hội hóa cho đầu tư y tế vừa qua đã cho thấy những hạn chế của hình thức này, cũng như đòi hỏi hình thức mới minh bạch, hiệu quả hơn. Một chuyên gia tài chính y tế đã đề xuất hình thức đầu tư bảo toàn vốn cho BV, cấp vốn kèm yêu cầu bảo toàn để giữ được vốn, không như hiện nay đầu tư là mất, khiến nhà nước không mạnh dạn đầu tư cho y tế. Đây có thể cũng là một hướng ra cho vấn đề khó khăn là vốn cho phát triển dịch vụ y khoa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.