(HNMO) - Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường các biện pháp chống nóng cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.
"Hạ nhiệt" cho người bệnh
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện K tiếp nhận hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Bệnh viện K đã tổ chức khám bệnh từ 6h sáng mỗi ngày.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K cho biết, tại tất cả các buồng bệnh, bệnh viện đã yêu cầu bật điều hòa 24/24h. Ngoài ra, trong khuôn viên bệnh viện đã lắp đặt hệ thống lọc nước, uống ngay tại vòi nhằm bảo đảm cung cấp hàng triệu lít nước uống chất lượng cho người bệnh và người nhà.
Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám bệnh từ 5h30 sáng, đồng thời tổ chức khám ngoại trú bảo hiểm y tế vào ngày thứ bảy hằng tuần. Riêng chủ nhật, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn đón tiếp bệnh nhân. Đặc biệt, trong dịp hè năm nay, Bệnh viện Bạch Mai đã bổ sung hàng nghìn chiếc ghế nhựa, ô bạt ngoài trời... đặt trong khuôn viên bệnh viện, đồng thời lắp đặt hệ thống phun sương dài 500m tại các điểm chờ.
"Bệnh viện đã gọn gàng, ngăn nắp hơn. Người nhà bệnh nhân đã có chỗ ngả lưng, không còn phải mang chiếu đi trải ở các hàng lang, dưới các gốc cây...", ông Hoàng Văn Bạch (57 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) - người nhà của bệnh nhân nói.
Ngay từ những ngày đầu hè, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã rà soát, sửa chữa hệ thống điện, điều hòa, quạt, mành che nắng tại các buồng bệnh, hành lang... Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện cũng yêu cầu cán bộ y, bác sĩ khoa khám bệnh đi làm trước giờ hành chính 30 phút, cán bộ làm xét nghiệm trả kết quả nhanh nhất có thể để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Mặt khác, tại các khu vực điều trị nội trú bảo đảm 100% buồng, phòng có điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt mát, nước uống đầy đủ...
Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng đã bổ sung nhiều loại cây xanh ở khu vực sảnh chờ của các khoa, phòng. Sắp tới, bệnh viện sẽ lắp thêm hệ thống phun sương ở khu vực sân trước cửa phòng mổ...
Hạn chế bệnh tật do thời tiết cực đoan gây ra
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong tháng 7-2020 sẽ có thêm 3-4 đợt nắng nóng xuất hiện ở Bắc Bộ. Thậm chí, sau mỗi đợt nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra mưa dông, lốc, mưa đá... Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các bệnh viện tăng cường các trang thiết bị, thuốc, phương tiện bảo đảm cấp cứu, điều trị kịp thời những bệnh do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây ra.
Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng lưu ý, các bệnh viện có phương án xử lý trong trường hợp bệnh nhân đến đông; chuẩn bị các tổ, đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Mặt khác, giảm quá tải tại khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai khám theo hẹn để hạn chế thời gian chờ đợi của người bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng; bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân không nên ở trong ô tô khi tắt máy dù chỉ trong thời gian ngắn, nhất là với trẻ nhỏ và người cao tuổi, bởi nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút. Người dân cũng không nên đỗ ô tô dưới cây cổ thụ khi trời mưa to. Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng gay gắt hay khi xảy ra dông, lốc, nên hạn chế ra đường.
"Chỉ các bệnh viện thực hiện các biện pháp chống nắng nóng cho bệnh nhân là chưa đủ. Mấu chốt vấn đề là người dân cũng phải biết cách chăm sóc cơ thể, hạn chế bệnh tật do thời tiết cực đoan gây ra", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong tháng 7-2020 sẽ có thêm 3-4 đợt nắng nóng xuất hiện ở Bắc Bộ nên mỗi người cần biết cách chăm sóc cơ thể, hạn chế bệnh tật do thời tiết cực đoan gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.