(HNMO) - Ngày 23-10, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ.
Theo đó, thời gian qua, tại địa bàn miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra bão lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Để sẵn sàng và kịp thời cho công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão lũ tại các tỉnh miền Trung, Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ. Cụ thể, cử 20-30 người, gồm các bác sĩ, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn tham gia hỗ trợ...
Bên cạnh đó, các bệnh viện nêu trên chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân sau bão lũ; chuẩn bị cơ số thực phẩm, nhu yếu phẩm để ủng hộ nhân viên y tế, người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh chịu hậu quả của thiên tai (nếu có), sẵn sàng đến hỗ trợ các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám, chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm hoạ và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo khả năng thiệt hại để đề xuất nhu cầu về chuyên môn, địa bàn, thời gian cần hỗ trợ, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm hoạ và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Y tế để điều phối.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ.
Bộ Y tế khuyến cáo, sau bão lũ, người dân cần bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đấy theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.