(HNM) - Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC) ở các ngành, các cấp và các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc do hàng loạt nguyên nhân cả chủ quan và khách quan như: thiếu nhân lực, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu công nghệ, trình độ hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ…
Để đẩy mạnh CCHC, các đơn vị cấp trên vẫn tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện công tác này tại các đơn vị. Song, có thể nói, hiệu quả sau mỗi lần kiểm tra, giám sát chưa đáng kể. Nguyên nhân là do việc thực hiện báo cáo của các đơn vị thường "một chiều" theo kiểu "tốt đẹp phô ra" và nếu đoàn kiểm tra chỉ dựa trên báo cáo của đơn vị thì sẽ không thể thu được kết quả chính xác để đánh giá về kết quả thực hiện CCHC của đơn vị cũng như đánh giá chung về mặt bằng CCHC.
Điều đó phần nào lý giải được vì sao, không ít đơn vị xã, phường làm điểm về CCHC của các quận, huyện từ nhiều năm qua luôn được đánh giá là "đơn vị dẫn đầu" hóa ra lại đang rất lơ mơ về tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế "một cửa". Rồi nhiều đơn vị đến khi bị "lộ" về việc giải quyết chậm trễ hồ sơ hành chính của tổ chức và công dân, hay ban hành thêm các thủ tục rườm rà, trái quy định mới phân trần nào là do các văn bản quy phạm pháp luật "vênh" nhau, nào là do đặc thù riêng của ngành, của địa phương, trình độ dân trí chưa đồng đều…
Đúng là thực tế nhiều văn bản chồng chéo cũng là một nguyên nhân cho cán bộ khó thực thi nhiệm vụ, nhưng thay vì báo cáo rành rọt vướng mắc ở khâu nào với cấp trên để tìm hướng tháo gỡ thì các đơn vị lại ưa tìm cách tự "xoay xở" và đặt người dân vào tình huống khó khăn khi đi làm thủ tục.
Mới đây, trong một buổi giám sát của UB TVQH về công tác cải cách TTHC tại một đơn vị cấp huyện của TP Hà Nội, thành viên đoàn giám sát đã rất ngạc nhiên vì khi cả 13 trang báo cáo chủ yếu nói về kết quả đã đạt được, "góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện trong những năm qua". Thậm chí, đơn vị còn nêu có 17 TTHC giảm thời gian giải quyết từ 10 ngày xuống 8 ngày và 1 TTHC giảm từ 25 ngày xuống 15 ngày (lĩnh vực đất đai) mà "ổn định ngay được tình hình, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC đi vào nền nếp, được tổ chức, công dân ghi nhận và đánh giá cao". Trong khi đó, đây là một địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, công dân rất lớn, dẫn tới quá tải trong tiếp nhận giải quyết TTHC. Việc quá tải này gây bức xúc cho nhân dân và đã có đơn, thư phản ánh gửi lên TP…
Thế mới thấy, giữa thực tế và báo cáo vẫn còn khoảng cách xa vời nếu "bệnh thành tích" còn tồn tại. Và, để đánh giá chính xác kết quả của các đơn vị thì cần có các phương thức phù hợp mới có thể nhìn nhận được "hai chiều".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.