(HNM) - Trong 3 ngày từ 17 đến 19-11, tại Bệnh viện Bạch Mai diễn ra Hội nghị Chống độc châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9 với chủ đề "Hợp tác chống độc - từ kinh nghiệm khu vực đến tầm nhìn quốc tế" với sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.
GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số bệnh nhân nhập viện do nguyên nhân ngộ độc hiện tăng hàng chục lần so với 10 năm trước nhưng tỷ lệ tử vong giảm đáng kể.
Theo thống kê tại 48 bệnh viện trên toàn quốc, có từ 20-30% số ca cấp cứu là do ngộ độc, trong đó tỷ lệ tử vong vào khoảng 3%. Ba loại ngộ độc thường gặp nhất ở Việt Nam là ngộ độc thực phẩm (chiếm 30%), ngộ độc thuốc như thuốc cảm, thuốc ngủ, thuốc an thần (15%) và ngộ độc hóa chất (15%). Trung tâm Chống độc mỗi năm tiếp nhận điều trị cho 1.700 - 1.800 bệnh nhân, tỷ lệ tử vong đã giảm từ 8,5% vào năm 1998 xuống còn 1,7% vào năm 2009.
Mặc dù vậy, điều đáng lưu ý hiện nay, theo bà Dụ, là tác nhân gây ngộ độc ngày càng nhiều, phức tạp, phổ biến nhất là ngộ độc theo đường uống (chiếm gần 80% số ca ngộ độc). Trong khi đó, phần lớn các bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc giải độc đặc hiệu và phương tiện xét nghiệm để định lượng độc chất. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân khi được chuyển lên tuyến trên đã ở tình trạng nặng, thậm chí tử vong trên đường di chuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.