Người dân vùng bệnh “lạ” vẫn thấp thỏm từng ngày với số phận của mình, còn Bộ Y tế thì đang loay hoay với chuyện “giải mã” bệnh. Căn bệnh đã làm chết 23 người ở Quảng Ngãi đang bùng phát dữ dội trở lại.
Bệnh “lạ” (Bộ Y tế gọi là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) ở Quảng Ngãi vẫn chưa hết… lạ khi liên tục những ngày gần đây ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới, trong khi nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh “lạ” vẫn còn quá mập mờ.
Năm 2012, bà Ngắp phát hiện bị bệnh, sau 2 tháng điều trị thì hết, nay lại tái phát. |
Từ cuối tháng 2/2013 đến nay, bệnh “lạ” quay trở lại trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Trong ngày 6/3, ghi nhận thêm 5 trường hợp, nâng tổng số người bị bệnh lên 12 tính từ đầu năm đến nay. Các bệnh nhân vừa phát hiện gồm Phạm Văn Ưn (32 tuổi), Phạm Thị Vin (27 tuổi), Phạm Văn Toàn (9 tuổi) ở xã Ba Vinh và Phạm Thị Ngẫy (73 tuổi), Phạm Văn Găm (51 tuổi) cùng ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Trước đó vài ngày, ngành y tế Quảng Ngãi cũng ghi nhận 7 trường hợp mắc căn bệnh này. Trong số 12 bệnh nhân có 2 ca tái phát, số còn lại là mắc mới.
Ca mới nhất được phát hiện thuộc trường hợp tái phát là bà Phạm Thị Soi (60 tuổi) ở làng Rêu, xã Ba Điền. Bà Soi là người thứ 5 ở xã Ba Điền bị bệnh “lạ” trong đợt bùng phát mới này. Năm ngoái, bà mắc bệnh, sau đó điều trị một thời gian thì khỏi, nhưng nay thì tái phát với các triệu chứng rất rõ của bệnh “lạ”. Gia đình bà Soi đã có 2 người chết vì căn bệnh nguy hiểm này, đó là Phạm Thị Ân (26 tuổi, con gái bà Soi) tử vong hồi tháng 7/2012 và con trai của chị Ân là cháu Phạm Văn Sâm (4 tuổi). Bệnh nhân thứ 2 bị tái phát là bà Phạm Thị Ngắp (75 tuổi), cũng ở vùng “rốn” bệnh “lạ” xã Ba Điền.
Căn bệnh đã làm chết 23 người nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân. |
Đáng chú ý, bệnh “lạ” không chỉ bùng phát lại ở huyện Ba Tơ mà còn xuất hiện tại huyện miền núi Sơn Hà. Hai ca bệnh được phát hiện ở đây là vợ chồng ông Đinh Văn Hoàn (63 tuổi) và Đinh Thị Lơ (57 tuổi), thôn Kà Khu, xã Sơn Ba. Hai bệnh nhân này điều trị tại khoa Da liễu của bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi vào ngày 19/2 với các triệu chứng dày sừng bàn tay, bàn chân, men gan tăng cao, mệt mỏi, chán ăn,… Hiện nay, vợ chồng ông Hoàn đã… trốn viện về nhà.
Bà Phạm Thị Ngẫy, cho biết: “Từ Tết đến nay tôi bị đau nhức khắp người. Lòng bàn tay và chân bị dị ứng, nổi hột, đi khám mới biết bị bệnh “lạ”, tôi lo lắm!”. Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết tình hình bệnh “lạ” trong đợt này diễn biến hết sức phức tạp, mong ngành y tế sớm làm rõ nguyên nhân để chữa trị dứt điểm cho người dân yên tâm sinh sống.
Mập mờ nguyên nhân
Trong khi Bộ Y tế công bố “đã tìm ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) và được Bộ này “liệt” vào 1 trong 10 thành tựu của ngành y năm 2012) thì bệnh bùng phát trở lại. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết: “Kết quả xét nghiệm mẫu gạo của bà con vùng rốn bệnh “lạ” (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) tại phòng thí nghiệm ở Hong Kong tìm thấy một số loại nấm độc nhưng chưa chỉ ra chính xác loại nấm nào là tác nhân cụ thể của căn bệnh”. Theo cách nói của ông Bình thì vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nhiều đoàn chuyên gia đến vùng "rốn" của bệnh "lạ" lấy mẫu khảo sát, điều tra nhưng 2 năm nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân. |
Trong suốt thời gian qua, ngành y tế đưa ra rất nhiều suy đoán về nguyên nhân như viêm da tiếp xúc do nhiễm độc, bệnh sốt mò do Ricketsia, bệnh viêm gan siêu vi E, thiếu dinh dưỡng,… Năm 2012 là thời gian cao điểm của bệnh “lạ”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân về Quảng Ngãi thị sát và sau đó ngành y lại có thêm suy đoán “ăn gạo mốc là một trong những yếu tố đáng ngờ gây ra bệnh ” với dẫn chứng phát hiện tiết tố Anflatoxin trong lúa thóc ủ (gọi là gạo mốc) của người dân tăng gấp 5 - 6 lần so với mức bình thường. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn không đưa ra khẳng định ăn gạo mốc là nguyên nhân gây bệnh.
Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, lo lắng: “Bệnh “lạ” lặng im chưa được bao lâu thì lại trỗi dậy. Tôi và bà con ở địa phương ăn không ngon, ngủ không yên vì căn bệnh này”. Ông Bút cho hay, huyện cấp gạo trắng cho dân vùng bệnh 15kg gạo/khẩu/tháng được ít lâu, đến tháng 8/2012 giảm xuống còn 4kg, rồi từ đó đến nay không thấy cấp nữa, người dân quay lại ăn gạo ủ.
Bệnh “lạ” xuất hiện đã lâu, làm chết 23 người, nhưng đến nay vẫn còn rất… lạ đối với người dân, chính quyền địa phương, kể cả ngành y tế. Ròng rã suốt 2 năm qua, dù huy động rất nhiều đoàn về vùng bệnh “lạ” tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, trong khi người dân thì sống trong nỗi sợ hãi, thấp thỏm từng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.