(HNM) - Tối 13-11, cựu danh thủ người Anh David Beckham đã đăng bức ảnh một phụ nữ Việt Nam đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lái xe một tay còn tay kia chụp ảnh anh trên trang mạng cá nhân. Đáng chú ý là trên xe còn có một em bé đang ngủ gật.
Beckham viết lời chú thích dưới bức ảnh "Tôi sẵn lòng để người hâm mộ chụp ảnh nhưng tôi không chắc đây là cách an toàn nhất". Bức ảnh này do chính D.Beckham chụp sau khi ở Hà Nội (ngày 10-11) và ngay sau khi đưa lên mạng đã có hàng vạn lời bình luận, trong đó số đông là chê trách. Có lẽ cựu danh thủ này không quan tâm nhiều đến người phụ nữ có đội mũ bảo hiểm hay không, điều anh quan tâm chính là cháu bé đứng phía trước xe máy SH, vì tính mạng của bé vô cùng nguy hiểm khi người mẹ đi xe một tay lại mải chụp ảnh. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về bệnh "hồn nhiên" của người lớn đang diễn ra ngày càng nhiều trong cuộc sống.
Ngày hôm nay ra đường, bất cứ ai cũng có thể chứng kiến việc thanh niên, trung niên và cả học sinh vừa đi xe máy, vừa nhắn tin trên điện thoại bất kể đường đông hay vắng. Cũng không thiếu cảnh cha hay mẹ đứa trẻ, thậm chí ông đi đón "tương lai" của gia đình không đội mũ bảo hiểm "hồn nhiên" đi ngược chiều, "hồn nhiên" vượt đèn đỏ, khiến "tương lai" của gia đình nguy hiểm hơn cả cô gái chụp ảnh cựu danh thủ D.Beckham. Rồi những cành hoa anh đào mang từ Nhật Bản sang Việt Nam triển lãm bị giằng xé hay hội hoa xuân bên Hồ Gươm, nam thanh, nữ tú - cái tuổi đã qua "thơ bé hồn nhiên" bẻ cành, chen vào giữa các chậu hoa, tạo dáng chụp ảnh. Lại cũng không thiếu người lớn thản nhiên đi bộ băng qua bãi cỏ mượt mà khiến người yêu thiên nhiên bực bội. Thành phố bỏ hàng trăm tỷ đồng làm cầu vượt qua ngã tư hay các phố đông đúc nhưng thói "hồn nhiên" băng qua đường cho tiện đã ngấm vào người thành bệnh rồi.
Cách đây gần nửa thế kỷ trên Báo Hànộimới từng đăng tranh vui kèm theo vài câu thơ lục bát phê bình các nhân viên y tế mặc áo blu "hồn nhiên" ra đường hay vào cửa hàng mậu dịch ăn uống thì ngày nay vẫn thấy. Chưa hết, các cô mặc quần áo ngủ phóng xe máy ào ào ngoài đường. Ở thôn quê, người ta "hồn nhiên" phơi thóc, phơi sắn trên đường nhựa. Tùy theo hành vi cụ thể mà gọi đó là thiếu văn minh, vô ý thức hay vi phạm pháp luật, song chung quy lại có thể gọi đó là bệnh "hồn nhiên". Căn bệnh không nguy hiểm như ung thư nhưng nó làm xã hội nhức nhối.
Cùng với bệnh "vô cảm", bệnh "hồn nhiên" xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người lớn đối với con cái trong gia đình, nền tảng giáo dục đạo đức trong nhà trường còn lỏng lẻo. Từ đó dẫn đến không ít cá nhân ăn nói hay hành động theo bản năng, cái tôi của họ quan trọng hơn tất cả và bất chấp cả tính mạng bản thân và người đi cùng, ví như cô gái kẹp đứa bé ở hai chân, đi xe máy một tay, một tay giơ điện thoại chụp ảnh thần tượng. Vì sao bệnh "hồn nhiên" có cơ hội tồn tại? Đó là lòng tự trọng của không ít người bị rơi rụng; không ai dám phê bình, góp ý với các hành vi "hồn nhiên" và ngay cả khi họ "hồn nhiên" vi phạm pháp luật cũng không bị xử lý. Những nguyên nhân ấy dẫn đến chứng bệnh này nảy nở, phát triển. Người này thấy người kia vượt đèn đỏ chả thấy công an giữ lại và thế là…
Để chữa căn bệnh "hồn nhiên" của người lớn; đồng thời ngăn không cho nó lây lan, trước mắt có lẽ không có cách nào tốt hơn là xử phạt các sai phạm (ngành công an sẽ phạt "nguội" cô gái đi xe máy không đội mũ chụp ảnh D.Beckham). Về lâu dài, giáo dục công dân ở trường phải trở thành môn học chính, còn ở gia đình, người lớn phải thực sự là tấm gương cho con trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.