Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh cũ tái phát

Tư Đô| 26/01/2011 07:40

(HNM) - Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão, nên đã thành quy luật, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Những ngày này, không chỉ vào giờ cao điểm mới xảy ra ùn ứ mà tình trạng xe nối đuôi nhau trên nhiều tuyến phố trung tâm của Thủ đô vào giờ thấp điểm cũng không còn là chuyện lạ. Áp lực giao thông càng sát Tết càng nặng nề...


Không tránh được ùn ứ


Những ngày áp Tết, giao thông luôn trong tình trạng ách tắc. Ảnh: Trí Công


Một trong những địa bàn trọng điểm về giao thông là quận Đống Đa. Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, tình hình TTATGT những ngày này rất phức tạp, tình trạng ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên. Trên các tuyến phố chính như Trường Chinh, Thái Hà - Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng hay các tuyến phụ cận như Đê La Thành - Hoàng Cầu, Khâm Thiên... nguy cơ ùn tắc giao thông luôn thường trực. Còn tại khu vực quận Hoàn Kiếm, địa bàn nhiều phố cổ, nhiều cơ sở thương mại, chợ, nút giao thông, mặc dù lực lượng CSGT cam kết nỗ lực tăng cường kiểm soát, chỉ huy và hướng dẫn giao thông, nhưng do lực lượng mỏng, hạ tầng giao thông đa dạng, phức tạp nên TTATGT vẫn còn nhiều điểm rối, ùn ứ và hỗn loạn. Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, ngay cả các tuyến ngoại vi phố cổ như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, lưu lượng phương tiện tăng quá cao nên tình hình ùn ứ rất đáng lo ngại.

Theo số liệu của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, mật độ phương tiện tham gia giao thông tại địa bàn Thủ đô rất cao. Toàn TP hiện có hơn 318 nghìn ô tô (trong đó có khoảng 1.200 xe buýt và 9 nghìn taxi), gần 4 triệu mô tô - xe máy, 1 triệu xe đạp, khoảng 300 xích lô. Khu vực nội thành có đến 6 bến xe khách, ngày thường trung bình có 4.800 xe ra vào. Với khối lượng phương tiện như vậy, cùng với hàng vạn phương tiện từ các địa phương khác đến mỗi ngày, hệ thống giao thông đô thị đương nhiên quá tải. Đặc biệt, vào dịp trước Tết, lượng phương tiện lưu thông chuyên chở người, hàng hóa tăng đột biến càng gây áp lực lên hệ thống giao thông. Cùng với đó, trong dịp này, tại Hà Nội tổ chức 50 chợ hoa Xuân, chợ nông sản ở nội thành, ngoại thành nhằm phục vụ người tiêu dùng và nhiều hoạt động lễ hội chào mừng năm mới khác của các cấp tại những địa bàn công cộng, tuyến giao thông trọng điểm…

Cần tăng cường lực lượng điều tiết

Với tinh thần chủ động cao, ngày 14-1, Phòng CSGT đã có kế hoạch về việc bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán. Trên cơ sở nắm tình hình về nguy cơ ùn tắc, sự cố giao thông, Phòng CSGT đã có phương án bố trí lực lượng cụ thể trên 23 tuyến chính và 11 chốt chỉ huy giao thông trọng điểm, xác định những lỗi vi phạm chính là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông để tập trung xử lý. Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu - Phòng CSGT cho biết, tại các quận, huyện, đơn vị đều có phương án tuần tra kiểm soát, hướng dẫn giao thông và xử lý vi phạm. Chẳng hạn như, trên địa bàn quận Tây Hồ, căn cứ vào kế hoạch tổ chức vui xuân phục vụ nhân dân của TP cũng như quy luật hằng năm, Phòng CSGT chú trọng tăng cường bố trí lực lượng giao thông cho tuyến Nghi Tàm, Âu Cơ, An Dương Vương, Lạc Long Quân. Đây là các tuyến đường chính của quận, có hoạt động chợ hoa đón Tết nên khả năng ùn tắc là rất cao.

Trung tá Trần Ngọc Ánh cho biết, do dịp Tết Nguyên đán năm nay, Phòng CSGT không có lực lượng đông đảo từ Học viện Cảnh sát tăng cường như mọi năm nên công tác bố trí lực lượng còn nhiều bối rối. Và ngay trong hai ngày đầu tiên (24 và 25-1) thực hiện đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, có thể thấy rõ chỉ những nút giao thông có CSGT làm việc thì vi phạm giảm, còn không thì giao thông lại hỗn loạn như tại nút giao thông Nguyễn Du - Trần Bình Trọng chiều 24-1.

Rõ ràng trong công tác bảo đảm giao thông trên địa bàn Thủ đô, bài toán về lực lượng đang đặt ra cấp thiết. Khi nói về vấn đề này, theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, trong những dịp diễn ra sự kiện trọng đại trên địa bàn Thủ đô thì ngoài lực lượng CSGT - CATP còn có lực lượng tăng cường của Bộ và CA các quận, huyện, dân phòng cơ sở; cùng với đó là có sự phân luồng giao thông từ xa nên tình hình TTATGT cơ bản kiểm soát được. Như vậy, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các lực lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh cũ tái phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.