Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bệnh cũ” tái phát

Thùy Dương| 03/10/2010 05:39

(HNM) - Ngày 1-10 vừa qua, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố đã thoát khỏi một "mưu toan đảo chính" sau chiến dịch giải cứu ngoạn mục kéo dài hơn một giờ của quân đội trung thành, đưa ông ra khỏi một bệnh viện ở Quito, nơi ông đã ẩn náu trong 12 giờ để không bị rơi vào tay nhóm binh lính và cảnh sát nổi loạn.

Đây là vụ bạo loạn đầu tiên trong hai năm trở lại đây kể từ khi ông R.Correa lên cầm quyền. Tình trạng bất ổn bắt đầu vào sáng 30-9 khi khoảng 600 nhân viên quân đội và cảnh sát bỏ việc, phản đối Luật Dịch vụ công vừa được Quốc hội Ecuador thông qua, trong đó có điều khoản cắt giảm trợ cấp, tiền thưởng cho các lực lượng vũ trang. Nhóm bạo loạn cho rằng điều khoản cải cách hành chính này ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế của họ, mặc dù thống kê chính thức cho thấy dưới thời Tổng thống R.Correa, lương của nhân viên cảnh sát đã tăng từ 75% đến 84,9%.

Tổng thống Rafael Correa lên án âm mưu đảo chính ở Ecuador sau khi được giải cứu ngày 30-9.

Khoảng 300 thành viên không lực Ecuador đã chiếm sân bay quốc tế ở thủ đô Quito và phong tỏa đường băng, đóng cửa sân bay trong 9 giờ liền. Ngay sau đó, lực lượng an ninh đã đập tan âm mưu của nhóm đảo chính; đồng thời Tổng thống R.Correa tuyên bố chính quyền đã kiểm soát tình hình đất nước. Theo Bộ Y tế Ecuador, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính là 8 người và có 274 người bị thương. Mặc dù tình hình đã yên tĩnh trở lại, song lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Quito vẫn được duy trì. Trước những diễn biến tại Ecuado, các nước và tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối âm mưu đảo chính đang diễn ra tại nước này và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống hợp hiến R.Correa.

Vụ nổi loạn của một bộ phận giới quân sự và cảnh sát một lần nữa cho thấy tình trạng bất ổn kinh niên tại quốc gia 14 triệu dân này ở Nam Mỹ. Từ thập niên 1990, Ecuador nổi tiếng là quốc gia bất ổn nhất khu vực. Trước khi ông R.Correa thắng cử tháng 1-2007, trong 10 năm, nước này đã thay đổi 10 tổng thống, trong đó 3 tổng thống gần nhất bị phế truất do các vụ biểu tình đường phố. Khi lên nắm quyền, Tổng thống R.Correa, một chuyên gia kinh tế 47 tuổi được đào tạo ở Mỹ, đã tránh được "vết xe đổ" của những người tiền nhiệm nhờ thúc đẩy thông qua hiến pháp mới và tăng quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành dầu khí cũng như thực hiện chính sách vì người nghèo. Điều đó đã giúp ông giành được sự ủng hộ của người dân Ecuador trong hầu hết các quyết sách, trong đó có việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ và không gia hạn căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này. Nguồn thu từ dầu khí tăng mạnh (Ecuador là thành viên nhỏ nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC), đã giúp Tổng thống R.Correa tăng gấp đôi chi tiêu cho y tế, giáo dục, lương hưu và cơ sở hạ tầng trong 2 năm qua...

Tháng 4-2009, ông R.Correa đã làm nên lịch sử khi tái đắc cử, trở thành tổng thống đầu tiên trong vòng 30 năm của nước này không phải trải qua vòng bầu cử lần hai. Nhưng sau khi bị tấn công bằng đạn hơi cay trong cuộc biểu tình ở thủ đô Quito, mà ông gọi là một phần "âm mưu đảo chính" của nhóm đối lập và lực lượng an ninh, Tổng thống R.Correa giờ phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong suốt quá trình nắm quyền của mình. Bởi lẽ, phản ứng thái quá của những binh sĩ và cảnh sát chống đối cho thấy quốc gia Nam Mỹ này rất dễ biến đổi.

Lịch sử Ecuador nhiều lần lặp lại các vụ nổi dậy bạo lực mà thường kết thúc bằng việc thay đổi người đứng đầu nhà nước. Trong vụ này đã không có kết cục như vậy, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ở Ecuador trong những năm gần đây. Lý do đầu tiên của cuộc phản kháng là chống lại các biện pháp khắc khổ, chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi loạn. Ngoài ra, các vấn đề khác như có nên giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm hay không sẽ khiến Tổng thống R.Correa đau đầu trong những ngày tới. Và không ai nghi ngờ rằng những ngày khó khăn nhất kể từ khi nhậm chức năm 2007 đang chờ đón Tổng thống R.Correa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bệnh cũ” tái phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.