Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh bò điên tái xuất, thịt bò Mỹ lao đao

Kim Phượng| 07/05/2012 06:41

(HNM) - Có vẻ như thị trường thịt bò Mỹ gặp rất nhiều sóng gió trong những năm gần đây. Vừa chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại kéo dài hàng chục năm giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) về thịt bò Mỹ có chứa hormone tăng trưởng hồi tháng 3 vừa qua, thì cuối tháng 4 này Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận một con bò sữa mắc bệnh bò điên ở miền Trung bang California.

Ngay lập tức thông tin này đẩy thị trường thịt bò Mỹ vào suy giảm vì người tiêu dùng lo ngại dịch bò điên.

Người dân Hàn Quốc chuyển sang mua thịt bò trong nước  sau khi nghe tin Mỹ xác nhận bò điên.

Dù Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố vẫn nhập thịt bò từ Mỹ nhưng sẽ tăng cường kiểm dịch nên hãng bán lẻ lớn là Lotte Mart đã quyết định ngưng bán mặt hàng này. Chưa hết, ngày 2-5, rất đông người dân thủ đô Seoul đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của chính phủ khi cho phép tiếp tục nhập khẩu thịt bò của Mỹ sau khi Washington xác nhận trường hợp mắc bệnh bò điên. Thực tế, quyết định này đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng tại Hàn Quốc, thị trường nhập khẩu thịt bò lớn thứ 4 của Mỹ. Hàn Quốc từng ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ sau đợt bùng phát dịch bệnh bò điên lần đầu tiên ở Mỹ vào cuối năm 2003 và đến tận năm 2008 mới gỡ bỏ lệnh cấm.

Cùng với Hàn Quốc, từ ngày 26-4, Indonesia cũng ngừng nhập khẩu loại thực phẩm trên. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Rusman Heriawan cho biết hiện tại chưa đưa ra thời hạn kết thúc lệnh ngừng nhập khẩu và chính phủ đang theo dõi tình hình bùng phát dịch bệnh.

Trái với hai quốc gia Châu Á này, các thị trường nhập khẩu thịt bò lớn của Mỹ là Canada, Nhật Bản, Mexico và Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt bò Mỹ sau khi nhà chức trách Mỹ tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát và chuỗi cung ứng thực phẩm vẫn an toàn. Nhưng dù sao sự kiện này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều vì hiện Nhật Bản chỉ cho phép nhập khẩu gia súc dưới 20 tháng tuổi từ Mỹ và Canada và các nhà xuất khẩu Mỹ đang chờ đợi Nhật Bản sẽ nới lỏng giới hạn này trong thời gian tới. Những giới hạn của Nhật Bản từ năm 2005 thay thế cho một lệnh cấm hoàn toàn đã được áp dụng sau khi có trường hợp bò điên đầu tiên được phát hiện vào năm 2003. Theo đó, Nhật Bản giới hạn mức nhập khẩu từ Mỹ vào nơi vốn là thị trường thịt bò lớn nhất của Mỹ tại Châu Á. Năm 2011, Nhật Bản nhập khẩu 120.000 tấn thịt bò Mỹ, đứng thứ hai chỉ sau Australia, trong tổng số 517.000 tấn nhập khẩu, trị giá 2,59 tỉ USD.

Sau phản ứng của các bạn hàng, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đánh giá, phản ứng tích cực từ các đối tác thương mại của Mỹ là tín hiệu củng cố lòng tin với các giải pháp phòng và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm mà Mỹ đang áp dụng. Mỹ cũng đã gửi thư tới 20 đối tác thương mại chủ chốt để bảo đảm rằng các sản phẩm thịt bò từ Mỹ hoàn toàn an toàn.

Bệnh bò điên không lây nhiễm qua sữa bò nhưng lây qua tiếp xúc với não, tủy sống và thịt bò nhiễm bệnh. Trường hợp bò điên đầu tiên được ghi nhận tại Anh vào năm 1986. Hiện Mỹ có khoảng 91 triệu gia súc, trong đó có khoảng 30 triệu con bò thịt và 9,2 triệu bò sữa. Bệnh bò điên thường chỉ xảy ra với bò vài năm tuổi, trong khi thịt bò xuất khẩu của Mỹ thường được giết mổ từ bò 18 tháng tuổi. Năm 2003, bệnh bò điên bùng phát tại Mỹ, ngành xuất khẩu thịt bò Mỹ tổn thất tới 3 tỉ USD. Đến nay, căn bệnh này đã giết chết 190.000 gia súc nhiễm bệnh và 200 người trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh bò điên tái xuất, thịt bò Mỹ lao đao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.