Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh án điện tử: Sao vẫn thờ ơ?

Tuệ Diễm| 21/10/2015 07:31

(HNM) - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư các trang thiết bị để xây dựng bệnh án điện tử và quản lý khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện trên địa bàn chưa mạnh dạn áp dụng, thủ tục hành chính không mấy cải thiện.

Để áp dụng công nghệ thông tin, bệnh viện cần thêm nhân sự.



Dự án "Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám, chữa bệnh" nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện đã được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư từ năm 2013 nhằm góp phần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tại hầu hết bệnh viện, dù đã được trang bị hệ thống máy tính, nhưng hồ sơ, bệnh án điện tử chưa được triển khai.

Tại Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhân viên y tế vẫn phải kê bàn ra ngoài hành lang và hì hục viết bệnh án cho bệnh nhân. Số bệnh nhân chạy thận ở đây dao động khoảng 150 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng 4 nhân viên y tế làm các thủ tục theo dõi, ghi chép bệnh án. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chúng tôi cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, đến từ Bình Dương cho biết: "Tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để lấy số thứ tự khám từ 6h sáng, đợi đến 9h mới được gọi tên vào phòng; đợi y tá làm thủ tục mất khoảng 15 phút nữa mới được gọi vào phòng bác sĩ".

Hiện, tình trạng quá tải đã tập trung tại các bệnh tuyến cuối của thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 phải tiếp nhận hơn 6.000 lượt bệnh nhân đến khám một ngày. Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày cao điểm tiếp nhận 7.700 lượt khám chữa bệnh. Trung bình mỗi bệnh nhân phải chờ 3-4 tiếng mới được gọi tên vào phòng khám. Do không được cập nhật quy trình, công nghệ tin học nên chủ yếu các nhân viên y tế nhập dữ liệu bệnh nhân bằng chép tay...

Trong khi hệ thống bệnh viện công lập "chậm chuyển mình" thì tại các bệnh viện ngoài công lập, bệnh án điện tử được sử dụng hiệu quả. Bệnh nhân được cấp mã số thẻ bệnh nhân, nhờ đó mọi thông tin bệnh nhân đều được lưu trữ một cách có hệ thống... Chẳng hạn, Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) trực tiếp quản lý bệnh nhân bằng thẻ khám bệnh điện tử. Bệnh nhân tái khám, hoặc muốn thăm khám chỉ cần quẹt thẻ, không phải mang theo hồ sơ bệnh án như các bệnh viện khác. Chính nhờ cách làm này, mà thời gian, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện. BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng đã triển khai hệ thống bệnh án điện tử trong nhiều năm nay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh giúp giảm thời gian đăng ký khám chữa bệnh từ 4 phút còn 1 phút. Mặt khác, việc ghi toa thuốc cho mỗi bệnh nhân giảm từ 5 phút còn 2 phút. Thủ tục xuất viện giảm một nửa. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai thu viện phí bằng tiền ATM để tiếp tục giảm thiểu việc sử dụng thời gian kiểm tra, thu tiền mặt.

Kết quả khảo sát tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động khám chữa bệnh của gần 100 bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện và các bệnh viện ngoài công lập trên địa TP Hồ Chí Minh cho thấy: 10 đơn vị ứng dụng CNTT ở mức khá trở lên. Có 9 đơn vị chưa triển khai CNTT ở mức độ thấp, 64 đơn vị thiếu cán bộ phụ trách CNTT, 81 đơn vị chưa có phần mềm đủ để có thể sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành. Vừa qua, trong buổi họp bàn giải pháp giảm tải bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế thành phố báo cáo trước Bộ Y tế: Nguyên nhân chậm trễ trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý bệnh viện là phần lớn các bệnh viện chưa bố trí được nhân sự về CNTT. Một phần khác là chưa quen sử dụng phần mềm nên việc thông tin hóa chưa được triển khai thông suốt, dẫn đến một số đơn vị phải tạm ngưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh án điện tử: Sao vẫn thờ ơ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.