Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bên trọng, bên khinh

Việt Nga| 15/10/2010 07:22

(HNM) - Thị trường viễn thông Việt Nam đang tồn tại nhiều nghịch lý, trong đó có chuyện chăm sóc khách hàng theo kiểu


Thuê bao trả sau chịu cước đắt hơn?


Hoạt động của trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel Quân đội. Ảnh: Thanh Hải

Khi đưa ra điều này, không ít người tỏ ra nghi ngờ, vì thực tế, mức cước di động trả sau được coi là tương đối thấp, sau khi các nhà mạng lớn chiếm thị phần khống chế (Viettel, Mobifone, Vinaphone) vừa giảm cước. Nhưng, căn cứ theo bảng giá cước của các nhà mạng mới thấy thuê bao trả sau đang "được" hưởng mức cước đắt hơn trả trước. Cụ thể, cước gọi trả sau đang phổ biến ở mức 890-1.090 đồng/phút gọi tùy theo từng gói cước. Tính chung, một cuộc gọi thuê bao trả sau phải trả khoảng 1.000 đồng/phút, trung bình hàng tháng mỗi thuê bao trả sau gọi khoảng 100 phút, thành ra cước cuộc gọi là 100.000 đồng/tháng; cộng thêm với cước thuê bao hàng tháng là 50.000 đồng (Viettel), còn Vinaphone và Mobifone cước rẻ hơn là 49.000 đồng/tháng. Cộng lại, mỗi tháng một thuê bao trả sau phải trả cho nhà mạng khoảng 150.000 đồng. Từ đó, suy ra thuê bao trả sau đang phải chịu giá cước 1.500 đồng/phút gọi. Trong khi đó, cũng theo bảng tính cước của các nhà mạng, cước di động trả trước theo các gói cước có giá 1.190-1.590 đồng/phút, tính bình quân mức giá này khoảng 1.400 đồng/phút, rẻ hơn 100 đồng so với mức cước trả sau.

Đã thế, thuê bao trả trước lại nhận được rất nhiều quyền lợi từ các nhà mạng, trong đó có những "cơn mưa khuyến mãi". Tuy cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ dừng khuyến mãi thẻ sim, nhưng tình trạng này vẫn phổ biến. Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng mua một bộ KIT hòa mạng, trong tài khoản có ngay 160.000 đồng. Đáng chú ý, trong cuộc đua phát triển thuê bao trả trước, đến tháng 10 này, "đại gia" Vinaphone được coi là bỏ xa hai đối thủ còn lại, khi bán bộ hòa mạng giá chỉ 65.000 đồng, nhưng tài khoản lên tới 230.000 đồng. Kết quả, có khách hàng dùng điện thoại loại "2 sim 2 sóng" trong đó có một số là thuê bao trả sau, còn lại sim khuyến mãi kiểu như kể trên. Đơn giản, vì chỉ bỏ ra một số tiền là vài chục nghìn đồng, được hưởng quyền lợi gấp tới ba lần… Như vậy, mức cước mà thuê bao trả trước phải trả khi gọi, thực chất chỉ còn 466 đồng/phút.

Khuyến mãi thuê bao trả sau: Có cũng như... không?!

Chẳng lẽ thuê bao trả sau không được các nhà mạng chăm sóc? Câu trả lời là: Có. Nhưng, sự thực thì hằng năm, vào các ngày sinh nhật, mỗi thuê bao trả sau đều nhận được tin nhắn với lời chúc mừng của nhà mạng. Riêng các thuê bao trả sau là nữ được nhận thêm những lời chúc mừng nhân dịp Ngày Phụ nữ Quốc tế (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) kèm theo là được nhận miễn phí một số lượng tin nhắn nhất định. Song, chẳng lẽ những ngày đó, chị em lại dùng "đặc quyền" được hưởng từ nhà mạng này để gửi tin nhắn chúc mừng… "phái mày râu"?!

Nhà mạng cũng dành cho thuê bao trả sau những ưu đãi khác, đó là miễn phí cuộc gọi từ phút thứ 4 đến phút thứ 10. Song, đây chỉ là kiểu ưu đãi đánh đố và "bẫy" khách, vì thông thường mỗi cuộc gọi thường không quá 3 phút, vậy muốn được hưởng ưu đãi trên, thuê bao trả sau lại phải kéo dài thêm thời gian 1 phút gọi nữa để được ưu đãi? Thành ra, với kiểu khuyến mãi này, với phần đông khách hàng "có cũng như... không"!

Thuê bao trả sau vốn là người "ăn đời ở kiếp", là người mang lại lợi nhuận ổn định cho nhà mạng thì đã, đang bị "bỏ rơi", trong khi thuê bao trả trước lại nhận được nhiều đặc quyền khuyến mãi. Vì sao nhà mạng lại "bỏ rơi" các thuê bao trả sau như vậy? Phải chăng đó là quan niệm, đằng nào thuê bao trả sau cũng dùng mạng của mình rồi, đó là những người sẽ khó có thể rời mạng, vì còn liên quan đến việc giữ số thuê bao liên lạc công việc, người thân, bạn bè; nên chỉ cần "kéo" các thuê bao trả trước để họ "ở" lại! Song, thực tế có không ít thuê bao dùng 1 sim trả sau chỉ để nghe, còn lại dùng sim khuyến mãi để gọi. Kết quả của việc mải chăm sóc thuê bao trả trước dẫn đến chuyện, tuy lượng thuê bao di động ở nước ta đang ở mức 140 triệu (số liệu đến tháng 9-2010), gần gấp đôi dân số, nhưng thuê bao ảo chiếm quá nhiều. Có chuyên gia cho rằng, lượng thuê bao trả sau chỉ chiếm khoảng 10% trong số này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bên trọng, bên khinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.