(HNM) - Đầu tuần vừa rồi, thành phố Hà Nội họp báo công bố chương trình tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hầu hết các công trình trong dự kiến sẽ khánh thành hoặc gắn biển nhân dịp Đại lễ đều hoàn thành đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.
Sau dịp này, sẽ có những công trình văn hóa mới, công trình cầu, đường mới. Các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao, mít tinh chào mừng Đại lễ đã chuẩn bị xong, ít tốn kém nhưng hứa hẹn sẽ có chất lượng cao. Vui nhất là nhiều đường phố được chỉnh trang, quét sơn, hạ ngầm các loại dây, trông như mới, đẹp ra. Những ngày này, chỉ cần đi vòng quanh Bờ Hồ, qua mấy phố cổ và phố cũ như đường Điện Biên, Tràng Thi, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám chẳng hạn, sẽ thấy phố phường Hà Nội, nếu chịu chăm sóc cũng đẹp đẽ, khang trang không thua kém bất cứ nơi nào.
Về môi trường, cũng đã có nhiều hoạt động như xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, dọn rác ở sông Tô Lịch và ở một số hồ; phát túi đi chợ thân thiện với môi trường, diễu hành vì môi trường. Trên mặt báo, những tấm gương cụ ông 20 năm dọn rác, cụ bà 20 năm cho cá và rùa Hồ Gươm ăn… và những tấm gương ít người để ý, giờ được quan tâm biểu dương.
Nhưng rồi niềm vui ấy cũng bị bớt đi ít nhiều khi sáng chủ nhật, đi dạo quanh, thấy một số panô, biểu ngữ bị rách, bị gió giật đứt dây nhưng không ai thu gọn lại; một số dây đèn trang trí vừa làm xong chiều qua đã bị những kẻ nghịch ngợm rứt đứt. Một vài tấm bìa chim bồ câu trắng găm gốc cây dùng trang trí đã bị vẽ, kẻ lăng nhăng…
Đúng là niềm vui đã giảm đi. Bởi những trò nghịch ngợm, thờ ơ ấy không phải là chuyện ngẫu nhiên, hiếm gặp mà đâu đó đã trở thành khá phổ biến. Trên đường phố bây giờ, ai đánh rơi giày trẻ em, rơi mũ mềm, thậm chí rơi túi thức ăn vừa mua thì cũng đành bỏ mà đi, không thể quay lại hoặc hy vọng có ai đó nhặt hộ. Vì xe cộ bây giờ đông quá chăng mà xe sau cứ thản nhiên chà lên mũ, giày dép, túi đồ ăn xe trước lỡ rơi? Ngày trước không thế. Có phải người đông quá chăng mà bây giờ vào công viên, phải để ý, nếu không sẽ giẫm vào kim tiêm ma túy, phân súc vật, hoặc ít ra thì cũng rác rưởi, ngồi ghế đá phải nhìn cẩn thận kẻo dính bẩn? Ngày trước không thế. Có phải bây giờ thiếu thốn quá nên ít ai nhường ghế cho cụ già, em nhỏ, phụ nữ có thai trên xe buýt; không mấy ai dắt tay cụ già, em nhỏ qua đường, không ai đỡ dậy một người bị đổ xe? Ngày trước không thế. Có vô số những thứ "ngày trước không thế" nữa, một "ngày trước" còn chưa xa, cái thời chiến tranh và bao cấp vô cùng thiếu thốn, gian khổ ấy. Và tất cả những điều hôm nay những người Hà Nội đã bức xúc, đã phẫn nộ, nhưng rồi chuyển sang thái cực không phản ứng nữa lại là những thứ thể hiện lối sống thờ ơ, lãnh đạm với người khác, một lối sống trái với thuần phong mỹ tục của Hà Nội hàng trăm, hàng ngàn năm nay.
Bao giờ chúng ta có thể "trở lại" với những thuần phong mỹ tục như đi sơ tán không cần khóa cửa, mua bia thì kiên nhẫn xếp hàng, có rác thì tìm thùng rác, gặp người yếu đuối, bất hạnh thì giúp đỡ? Có người cho rằng sẽ rất lâu, những gì đã thành thói quen rồi rất khó sửa. Nhưng tin rằng, khi cả xã hội đồng lòng thì khó mấy cũng sửa được. Một thí dụ đơn giản, một người có thể văng tục, nhổ bậy, vứt rác trên đường phố nhưng bước vào máy bay, bị giám sát chặt chẽ thì buộc phải tuân theo. Nhiều đường phố trong dịp này đã được chỉnh trang, được giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm cũng sạch ngay, không cần quá độ.
Vì vậy, chuẩn bị cho Đại lễ cũng là nhằm làm cho Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp! Đấy mới là thành công quan trọng của Đại lễ sau hơn 10 năm chuẩn bị. Văn hóa người Tràng An - Đông Đô - Hà Nội, đấy mới là mong mỏi của lãnh đạo và người dân Thủ đô vào lúc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.