(HNM) - Khi biết nhóm phóng viên báo Hànộimới có ý định tìm về quê hương của người anh hùng -
Từ TP Pleiku về huyện Ia Grai có mấy chục cây số nhưng đường khó đi, bữa sáng đưa vào dạ dày vài thứ chắc được nhào nặn nhuyễn như cháo.
Xe cứ chạy được khoảng chục cây số lại phải dừng cho máy bớt nóng và cũng để hỏi đường về làng Nú (xã biên giới Ia Khai) cho "chắc ăn". Anh phóng viên báo sở tại thú nhận, đây là lần đầu xuống huyện này. Thế là khách và chủ như nhau trên con đường lần tìm những câu chuyện bên dòng Pô Cô huyền thoại…
Bà Siu Pil kể về những năm tháng A Sanh ở miết ngoài bến đò đưa bộ đội qua sông Pô Cô. |
Về làng Nú, thăm nhà A Sanh
Ở làng Nú có một ngôi nhà mái bằng rộng khoảng vài chục mét vuông, mới xây theo chương trình làng định cư từ dự án thủy điện Sê San 4, thường là địa chỉ tìm đến đầu tiên của cánh báo chí. Thấy người làng bảo, bao nhiêu năm rồi, từ ngày A Sanh khuất núi, chưa bao giờ có nhiều người hỏi thăm nhà bà Siu Pil (vợ của A Sanh) như thế. Thì chuyện A Sanh chở đò gần 10 nghìn ngày đưa bộ đội qua sông đã đi vào thơ ca, âm nhạc, rồi ông được phong Anh hùng LLVTND năm 1998, làng Nú bên sông Pô Cô nhờ vậy cũng đỡ heo hút. Và lớp người sau này ở làng cũng quen với cái tên A Sanh hơn cái tên gốc người Giarai của ông: Puih San.
Tính đến năm nay, ngày A Sanh (xin gọi ông bằng cái tên đã quen thuộc với nhiều người) bỏ làng sang thế giới bên kia đã 10 mùa rẫy. Hôm chúng tôi tìm đến nhà bà Siu Pil, đúng ngày có lễ cúng, tập trung đông đủ con cháu, chật kín nhà. Chú út Siu Blih đang học trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5 trên TP Pleiku cũng tranh thủ về thăm mẹ. Còn 3 người trên Siu Blih thì đều đã lập gia đình, ở quanh quanh nhà bà Siu Pil cả. Quê A Sanh giờ khác trước nhiều rồi, như lời già làng Siu Bố thì không có nhà nào đói, nhưng chưa mấy ai biết làm giàu. Mấy đứa cháu của A Sanh, giờ cũng theo mốt Hàn Quốc, quần bò, áo phông, tóc nhuộm "râu ngô", lại có đứa còn hí hoáy ngồi "nghiên cứu" các chức năng của điện thoại di động. Nhìn những bàn tay, bàn chân phụ nữ, con trẻ mà áng, chắc bây giờ không còn phải quần quật nghĩ chuyện kiếm đủ ăn, chuyện đi nương, đi rẫy.
Bà Siu Pil giờ nghe không còn rõ, câu được câu chăng. Bà cũng chẳng nhớ năm nay mình bao nhiêu tuổi. Có lẽ nỗi khổ cực của những ngày tháng thay chồng chăm con đã hằn sâu vào từng nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn bà này. Thì mấy năm ròng hồi đó A Sanh ở miết ngoài bến đò còn gì… Hỏi về con đò, mái chèo hay những đồ vật A Sanh sử dụng ngày xưa, các con ông bảo có để lại gì đâu. Thì với người Giarai, tục "chia của" là vậy, ông mang theo một phần. Còn một phần thất lạc theo năm tháng, thì cũng đã nửa thế kỷ trôi qua rồi. Cậu phóng viên trẻ báo bạn cho biết, ngay con đò hiện có trong bảo tàng tỉnh cũng được "đặt hàng" người làng Nú làm lại để trưng bày…
Bến đò huyền thoại của một thời
Không phải mùa nước, sông Pô Cô xanh thẫm hiền hòa xuôi chảy như dải lụa mềm ôm lấy những cánh rừng dù đã có dấu ấn bàn tay của con người nhưng vẫn chưa mất đi nhiều vẻ hoang sơ vốn có. Làng Nú, làng Yom (xã Ia Khai), làng Bi (xã Ia O) thuộc địa phận huyện Ia Grai nằm dọc theo bờ sông Pô Cô. Già làng Siu Bố của làng Nú bảo, trước đây làng có bao nhiêu nóc nhà là có bấy nhiêu chiếc thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc của người Giarai chính là chiếc đò đã đi vào huyền thoại cùng A Sanh. Đấy chính là nét đặc trưng của cư dân sống dọc theo sông Pô Cô, những người sinh ra và lớn lên bên dòng sông, uống nước dòng sông, nương tựa vào "tài sản" của dòng sông này mà tồn tại. Vậy nên sông Pô Cô như một phần máu thịt của họ.
Già Rơ Chăm Lim người làng Nú, nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội lái đò trong đó có Anh hùng A Sanh, đưa chúng tôi ra bến đò ngày trước từng chở bộ đội qua sông, bảo, xưa dọc đây lên phía thượng nguồn còn 2 bến nữa, nhưng giờ bỏ rồi, để xây Thủy điện Sê San mà. Còn đây, phần đất sát bến đò giờ cây cối hoang vu, chính là nơi làng Nú "bám" dòng Pô Cô trước khi di dời về nơi định cư mới sau này. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng dấu tích xưa sót lại không nhiều, chỉ con đường mòn nho nhỏ người làng vẫn xuống bến sông. Già Rơ Chăm Lim kể, cao điểm vào những năm 1967-1968, hàng đêm bến này rầm rập bộ đội qua sông, có đêm già chở tới trên 30 chuyến, đưa gần 500 quân giải phóng sang phía Sa Thầy, đi chiến dịch…
Giờ đây bến sông thật vắng vẻ. Dân mấy làng không còn lựa chọn đánh cá làm nghề chính nữa, dù vẫn còn một số đi câu, đánh lưới nhưng chỉ là phục vụ mục đích "đổi bữa" hoặc nhớ dòng Pô Cô mà thăm cho khuây khỏa. Người làng bảo, cá trên sông Pô Cô giờ cũng khó kiếm hơn trước nhiều. Mấy năm trước, vào mùa nước, có nhà trong làng bắt được mười mấy con cá lăng - một sản vật quý của sông Pô Cô - mỗi con nặng tới hai, ba chục cân. Loại đặc sản này hồi đó bán rẻ cho các nhà hàng mỗi cân cũng được sáu mươi tới một trăm nghìn đồng. Thịt cá lăng sông Pô Cô vừa thơm, vừa ngậy, uống với rượu ghè không say mới lạ. Nhưng đánh được con to thì nhà nào cũng bán dành dụm tiền mua gạo phòng ngày giáp hạt… Nay đời sống đỡ hơn rồi nhưng sông cũng chẳng còn nhiều cá nữa. Không biết có phải vì chuyện ấy không mà nhiều nhà trong các làng dọc sông Pô Cô nay không còn thuyền độc mộc. Dưới bến cũng chỉ có ba chiếc, neo chặt, hững hờ dập dềnh sát mép nước.
Bến đò làng Nú giờ đây buồn tênh. Ảnh: Nghĩa Trọng |
Nghe người già kể chuyện đóng thuyền độc mộc
Từ địa chỉ do phóng viên Phương Duyên của báo Gia Lai cung cấp, chúng tôi tìm tới nhà già Rahlan Pênh, người làng Nú. Cô bạn đồng nghiệp còn tận tình chỉ dẫn, cùng với già Rahlan Pênh chỉ còn già Duit (anh ruột già Rahlan Pênh) và già Hmơnh là những người đẽo thuyền độc mộc đẹp nhất còn lại của xã Ia Khai. Nắng xế đỉnh đầu, gặp được già Rahlan Pênh như là có cơ duyên để biết thêm những chuyện quanh chiếc thuyền độc mộc. Già bảo, ở đây nếu đi rẫy hay đi đánh cá thì có khi khách chờ cả ngày cũng không gặp được. Ngủ trên thuyền, ăn trên rẫy, vài ngày mới về nhà, với trai Giarai là chuyện thường. Thấy có khách lạ đến chơi nhà, mấy con cháu của già Rahlan Pênh như thằng Ksor Ngoan, thằng Ksor Ziu… lại hí hoáy nghịch chiếc điện thoại di động, bật mấy bản nhạc í éo như có ý khoe khéo sự văn minh đã hiển hiện ở đây.
Thấy có người hỏi về chuyện đóng thuyền độc mộc, già Rahlan Pênh tỏ ra rất hứng khởi. Từ khi theo người lớn học nghề đến giờ già Rahlan Pênh đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đẽo thuyền cho mình, cho người. Quá nửa cuộc đời gắn bó với những thứ dụng cụ như rìu dùng để chặt đẽo (người Giarai gọi là jong), cuốc chim dùng để khoét lòng thuyền (jong cay), rìu bào để làm nhẵn mặt bên trong và bên ngoài chiếc thuyền (jong xông), có thể nói cũng như dòng Pô Cô, những con thuyền độc mộc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của già Rahlan Pênh. Muốn có một con thuyền độc mộc, việc đầu tiên là phải vào rừng chọn những cây gỗ sao (loại gỗ vừa bền, vừa nhẹ), gốc to khoảng 2 người ôm nhưng phải thẳng đứng. Sau đó, dùng rìu hạ cây và chặt chính những cành con của cây gỗ này mang về nhà làm cơm cúng Giàng, sau đó mới được quay lại đẽo thuyền. Cũng giống như tục lệ chặt gỗ về làm nhà rông, trên đường đi phải lắng nghe tiếng con chim plang. Già Rahlan Pênh giải thích, nếu con chim plang kêu phía trước mặt thì không sao, còn nếu kêu phía sau lưng thì phải trở về nhà, bởi loài chim này thường báo hiệu những điều không may. Nếu mọi chuyện trôi chảy thì sau đó chặt đoạn thẳng nhất của cây gỗ với chiều dài từ 5 đến 8 mét tùy thuộc đóng chiếc thuyền độc mộc loại to hay loại nhỏ. Thông thường, loại to thì chở được khoảng 13-15 người, còn loại nhỏ cũng chở được 6-7 người...
Mỗi chiếc thuyền độc mộc làm cật lực cũng phải mất từ 3-4 ngày tới cả tuần. Thời gian đó, những người đẽo thuyền phải ăn ngủ tại chỗ, không được về nhà. Sau khi làm xong, con thuyền được hơ qua lửa rồi kéo xuống bến nước, tổ chức cúng Giàng thêm một lần nữa để cầu may trước khi có thể xuôi ngược trên dòng Pô Cô. Hỏi chuyện cúng Giàng, già Rahlan Pênh kể, cũng đơn giản thôi, người ta lật úp con thuyền rồi đặt một quả trứng lên lưng thuyền làm lễ. Nhà nào có điều kiện thì có thể mang thêm một ghè rượu cùng một con heo ra để cúng. Ngày trước, những buổi hạ thuyền vui lắm, cả làng tập trung ngoài bến sông. Thì từ đời này qua đời khác, con thuyền độc mộc đã gắn chặt với cuộc sống người Giarai ở đây. Ksor Bên, con gái già Rahlan Pênh đang bế con, mắt sáng lên góp chuyện, ngày trước trai gái làng Nú cũng như làng Yom, làng Bi những lúc rảnh rỗi thường vẫn chèo thuyền độc mộc dạo chơi dọc sông Pô Cô hoặc vượt sang bên Sa Thầy (Kon Tum) tìm nơi tình tự hay rủ nhau đi bẻ dâu chua, lấy măng le, hái rau rừng, bẫy chim, bẫy thú...
Nhìn bàn tay gân guốc từng đẽo ba, bốn chục con thuyền độc mộc trong suốt hơn nửa đời người của già Rahlan Pênh nâng chén rượu vừa chắt từ ghè ra mời, khách mới hiểu thêm phần nào nỗi trống vắng trong tâm trạng của người đàn ông Giarai này. Giờ muốn đẽo thuyền độc mộc cũng không dễ, muốn hạ cây trong rừng phải xin phép lâm trường, mà những cây sao to như thế cũng có còn nhiều đâu. Rồi nhu cầu của dân làng cần đóng thuyền độc mộc cũng vơi dần đi, cánh thanh niên thời nay xoay theo nhịp sống, có nhiều việc phải làm, đâu còn rảnh thời gian mà đục đẽo hay chèo thuyền đi chơi, đi đánh cá trên sông... Người nổi tiếng cả vùng về đóng thuyền độc mộc như già Rahlan Pênh cũng chả mấy khi có việc. Già Duit thì đã dừng tay rìu đục vì tuổi đã cao. Còn già Hmơnh bận bịu với công việc trên HĐND xã, chả mấy khi rảnh rỗi. Già Rahlan Pênh lơ đãng nhìn xa xăm kể, làng Yom kế bên nay chẳng còn ai đẽo được thuyền độc mộc, năm trước còn phải sang nhờ ông làm giúp 5 chiếc... Về chuyện công sá tiền bạc, già Rahlan Pênh trả lời nhẹ như con thuyền độc mộc lướt trên sông Pô Cô: Giàng ban cho mình sức khỏe, cho đôi tay biết cầm rìu đẽo thuyền. Đẽo xong cho ai chỉ cần bữa rượu ghè là vui rồi. Phong tục người Giarai ta như vậy đó!
Hỏi già Rahlan Pênh, như con trai thứ Ksor Ngoan đang lụi cụi với chiếc điện thoại di động ngoài sân có học được nghề đẽo thuyền không, già lắc đầu cười buồn mà bảo, chúng nó bây giờ thì đánh bi-a giỏi hơn đánh chiêng, đan gùi, chẻ lạt còn không biết nữa là đẽo thuyền...
Rời nhà già Rahlan Pênh, con người từng một thời là đồng đội của A Sanh trên dòng Pô Cô, rời làng Nú, xã biên giới Ia Khai xa dần trên con đường dẫn về TP Pleiku, không hiểu sao chúng tôi không thể quên được ánh mắt xa xăm, nụ cười buồn và cái bắt tay rất chặt của ông dành cho những khách không mời mà đến cùng ký ức trong ruột gan mà không phải lúc nào ông cũng có dịp nói ra. Phải chăng ông còn gửi gắm qua chúng tôi điều gì đó? Vì thế, chúng tôi chỉ xin kể lại những gì đã nghe, đã thấy...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.