Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bên bờ vực khủng hoảng mới

Trung Hiếu| 09/09/2010 07:00

(HNM) - Trong khi lời giải cho vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bế tắc thì những căng thẳng mới lại vừa xuất hiện, đẩy cuộc khủng hoảng tại quốc gia Hồi giáo này cận kề

Nhà máy điện hạt nhân Natanz tại Iran, nơi phương Tây nghi ngờ Tehran âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân.


Ngay sau một báo cáo mật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) "lộ sáng" hồi đầu tuần, dư luận thế giới đã đồng loạt lên tiếng, kêu gọi các bên kiềm chế, tìm kiếm giải pháp giải quyết bằng con đường hòa bình. Ngày 7-9, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với IAEA để bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm phục vụ mục đích hòa bình. Trong khi đó, phát biểu tại Paris trong chuyến thăm Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Iran cần đáp ứng các yêu cầu của IAEA liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Cùng ngày, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ra tuyên bố bày tỏ mong muốn Iran tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và nỗ lực xây dựng Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Trước đó, ngày 6-9, IAEA đã công bố 5 trang báo cáo mật cáo buộc Iran đang cản trở cuộc điều tra kéo dài lâu nay đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi bằng việc ngăn cản một số thanh sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) và không tạo điều kiện để việc thanh sát được tiến triển. IAEA tiếp tục quan ngại về những hoạt động mà Iran có thể đang thực hiện để phát triển tên lửa hạt nhân, cho rằng Tehran vẫn tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium, bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. IAEA cũng cho biết một số dấu niêm phong của cơ quan này trên các thiết bị chính tại cơ sở làm giàu urani ở Natanz của Iran đã bị dỡ bỏ. Theo báo cáo, đến giữa tháng 8-2010, Iran đã sản xuất ít nhất 22kg urani làm giàu ở cấp độ 20% mà Tehran tuyên bố là để cung cấp cho một lò phản ứng nghiên cứu. Ngoài ra, tổng khối lượng urani làm giàu cấp độ thấp (LEU) của Iran hiện là 2.803kg, tăng khoảng 15% tính từ tháng 5-2010 tới nay.

Báo cáo mới của IAEA chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, đẩy quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đến bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới. Còn nhớ, cuối tháng 8 vừa qua, trong Tuần lễ kỷ niệm chính phủ thường niên (từ ngày 21 đến 30-8), Tehran đã công bố một số thành tựu quân sự mới, trong đó có loại máy bay không người lái mang tên lửa tầm xa đầu tiên mang tên Karar; hàng loạt vũ khí tối tân gồm dây chuyền sản xuất hai loại tàu cao tốc mang tên lửa Seraj và Zolfaqar; hai loại tên lửa Qiam và Fateh 110 thế hệ thứ ba… Cuộc phô diễn sức mạnh này diễn ra ngay sau khi Iran bắt đầu nạp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Bushehr - như một sự răn đe mạnh mẽ trước bất kỳ hành động quân sự nào nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Bởi vậy, mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về một cuộc khủng hoảng mới về vấn đề hạt nhân Iran là hoàn toàn có cơ sở.

Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor cho rằng, một lần nữa, Tehran không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, tiếp tục nỗ lực mở rộng chương trình hạt nhân và tiến sát hơn tới khả năng có vũ khí hạt nhân. Về phần mình, đại điện của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh nhấn mạnh rằng Iran không phát triển nguyên liệu hạt nhân theo hướng quân sự và các mục tiêu bị cấm. Hãng thông tấn bán chính thức của Iran ISNA (ngày 7-9), dẫn lời người đứng đầu Chương trình nguyên tử của Iran Ali Akbar Salehi cho rằng, nước này có quyền cấm một số thanh sát viên của IAEA nhập cảnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cũng tái khẳng định, Iran sẵn sàng đàm phán với nhóm Viên (gồm Mỹ, Pháp, Nga và IAEA) về thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân cho một lò phản ứng nghiên cứu ở thủ đô dựa trên Tuyên bố Tehran (văn kiện mà Iran ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil ngày 17-5)...

Cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay tại Iran đang tiếp tục trượt dốc do các bên liên quan chưa tìm thấy độ tin cậy cần thiết. Giữa Tehran và phương Tây, đứng đầu là Mỹ, còn tồn tại quá nhiều nghi hoặc và trở ngại. Điều này khiến hy vọng về một giải pháp ngoại giao sớm lâm vào ngõ cụt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên bờ vực khủng hoảng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.