(HNM) - Cùng với mạng lưới Chữ thập đỏ cả nước, trong hành trình 75 năm hình thành, phát triển (23/11/1946 - 23/11/2021), các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã bền bỉ kết nối những tấm lòng nhân ái với cộng đồng thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Điều đó góp phần tạo điểm tựa cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Ấm lòng người gặp khó
Bà Nguyễn Thị Bình, thôn Đỗ Xá, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) cho biết, bà là người khuyết tật, sống cùng mẹ già trong ngôi nhà xuống cấp, chỉ rộng khoảng 15m2. Việc xây nhà mới vượt quá khả năng của gia đình, nên bà Bình làm đơn xin được hỗ trợ xây dựng nhà Chữ thập đỏ. “Giờ đây, được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, tôi rất vui”, bà Bình nói.
Cũng ở huyện Gia Lâm, gia đình bà Nguyễn Thị Vỏ, thôn Yên Mỹ (xã Dương Quang) vừa phấn khởi đón nhận nhà Chữ thập đỏ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến cho hay, góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, trong năm 2021, Hội đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng 23 nhà Chữ thập đỏ.
Tại huyện Ba Vì, gia đình ông Đỗ Văn Nhâm, thôn Nam An (xã Cam Thượng) đã an cư tại nhà mới với diện tích khoảng 80m2. Ngôi nhà này do Hội Chữ thập đỏ huyện Ba Vì phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng cùng nhiều ngày công. Ngoài những trường hợp nêu trên, mỗi năm, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội còn hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà Chữ thập đỏ cho người dân ở Thủ đô và các tỉnh, thành phố bạn, trung bình mỗi nhà khoảng 50 triệu đồng.
Cùng với chương trình hỗ trợ về nhà ở, các hoạt động trợ giúp khác dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, người gặp thiên tai, dịch bệnh, bệnh nhân nghèo..., do các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội triển khai cũng đạt kết quả khả quan. Nổi bật là phong trào hiến máu tình nguyện phát triển ngày càng lớn mạnh, qua đó hình thành mô hình “Mỗi phường, xã là một điểm hiến máu”, “Tuyến phố hiến máu”, “Gia đình hiến máu”... ở nhiều nơi.
Bệnh nhân P.T.T.H, đến từ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Tôi không may mắc bệnh ung thư máu, thường xuyên phải điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, khiến gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu không có nguồn máu hiến tặng của cộng đồng qua sự kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội thì gia đình tôi sẽ rất khó khăn trong việc chữa bệnh”.
“Ở đâu người dân khó, ở đó có chúng tôi”
Sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng đã giúp các phong trào, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội ngày càng phát triển. Riêng giai đoạn 2016-2021, tổng trị giá hoạt động công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ của Hà Nội đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 54,3% so với giai đoạn 2011-2016.
Trong đó, thông qua phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, các cơ sở hội đã trợ giúp cho gần 693.000 trường hợp với trị giá hơn 328 tỷ đồng, tăng 46,5% so với giai đoạn trước. Cuộc vận động hiến máu tình nguyện đã thu hút hơn 2,6% dân số ở Thủ đô tham gia, thu về hơn 1,2 triệu đơn vị máu, tăng 69% so với giai đoạn trước... Đặc biệt, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ, giúp lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19, người dân bị cách ly hơn 60 tỷ đồng.
Sự phát triển của các phong trào, hoạt động Chữ thập đỏ còn thể hiện rõ hơn ở số lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên liên tục tăng, “phủ kín” từ thành phố đến cơ sở. Hiện tại, Hà Nội có gần 200.000 hội viên, tình nguyện viên và hơn 534.000 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ. Mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên được ví như một sứ giả nhân ái, họ tích cực, bền bỉ kết nối những tấm lòng hảo tâm với cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Cần, phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Tôi tin tưởng vào hiệu quả của các chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ triển khai. Vì vậy, tôi và các thành viên trong gia đình sẵn sàng trợ giúp người gặp khó khăn thông qua các cấp Hội”.
Đáng quý hơn, đại đa số cán bộ, hội viên là những người tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động. Có thể kể đến là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Tâm với hành trình gần 20 năm lăn lộn với nhiều phong trào, từ “Nồi cháo tình thương” đến hiến mô, bộ phận cơ thể người khi không may bị chết não... Trường hợp khác là anh Nguyễn Thế Lục, hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) đã tham gia hiến máu tình nguyện tới hơn 40 lần...
Nhằm thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, trong những năm tới, toàn Hội nêu cao tinh thần “Ở đâu người dân gặp khó, ở đó có chúng tôi”. Phấn đấu giai đoạn 2021-2026, Hà Nội phát triển được 70.000 “địa chỉ nhân đạo”; vận động nguồn lực đạt trị giá 1.500 tỷ đồng; thu về ít nhất 1,2 triệu đơn vị máu qua phong trào hiến máu tình nguyện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.