Người cha vừa bóc vỏ chôm chôm, bé Trọng đưa vào miệng ăn. Trái trơn mọng bất ngờ chạy tọt vào họng bé gây hóc, tắc đường thở.
Chiều 14/7, gia đình ông Bạch Văn Sanh cùng người dân thôn Bình Tân, xã Trà Bình, huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) làm lễ mai táng cho bé Trọng. Đau đớt bởi mất con, ông Sanh kể chiều hôm trước ông bóc vỏ chôm chôm cho con trai ăn, không may quả trơn lọt vào đường thở của bé gây hóc.
"Con tím tái mà tôi không biết phải xoay sở thế nào, hoảng hốt lấy xe máy chở đến Trạm y tế xã cấp cứu thì cháu tử vong giữa đường", ông Sanh mếu máo nói.
Quả chôm chôm trơn mọng sau khi bóc vỏ. Ảnh: Tư liệu. |
Bác sĩ Đỗ Thành Chung, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, nhiều khả năng bé Trọng tử vong do quả chôm chôm gây tắc đường thở. Theo ông Chung, trẻ bị hóc dị vật nếu hoảng sợ, khóc thì càng nguy hiểm, nếu không được sơ cấp cứu kịp thời dễ gây tắc đường thở dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia y tế cho hay, dấu hiệu trẻ bị hóc nghẹt đường thở thường bị tím tái, ho sặc sụa; trào nước mắt nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng. Tình hình nguy cấp hơn nếu môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái, có thể bất tỉnh nếu dị vật không lấy được ra kịp thời. Người lớn cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi hay miệng trẻ để làm thông đường thở và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu.
Với trẻ sơ sinh, cần để bé nằm sấp theo dọc cánh tay bạn, tư thế đầu thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng để dị vật bắn ra ngoài, đừng vỗ quá mạnh gây tổn thương trẻ. Nếu bé bị sặc sữa, bột thì ngậm vào mũi trẻ và hút thật mạnh. Trường hợp trẻ bị bất tỉnh, cần hà hơi thổi ngạt, cố gắng thổi dị vật làm cản đường thở.
Với trẻ nhỏ, để bé sấp trên đùi, đầu thấp hơn vai, vỗ nhiều lần vào giữa hai vai trẻ đến khi dị vật bắn ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, cần làm hô hấp nhân tạo. Với trẻ lớn, bảo trẻ cúi người ra trước, đầu thấp hơn ngực, lấy tay móc miệng để nôn dị vật ra. Trường hợp trẻ không thể ho và dị vật cản tắc đường thở, dùng gốc bàn tay vỗ mạnh vài lần giữa hai bên xương sườn trẻ, rồi đột ngột thúc ngược nắm tay ra sau và hướng lên trên, vật lạ sẽ bị đẩy lên miệng khiến trẻ ho ra được. Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Để tránh tai nạn trẻ bị hóc dị vật gây tắc đường thở, cần để xa tầm tay chúng các vật nhỏ như kim băng, đồng xu, hạt trái cây... dễ cho vào mũi, miệng. Cho trẻ dùng thức ăn nghiền nát, không lẫn xương, lẫn hạt và ăn từng ít một; tạo thói quen nhai chậm, nhai kỹ cho trẻ. Khi cho con nhỏ ăn cơm, ăn bột, không để đầu bé ngả về phía sau. Tránh cho trẻ vừa ăn vừa chơi đùa khiến thức ăn lọt vào đường thở gây hóc nghẹn. Đối với trẻ lớn hơn 6 tuổi cần căn dặn chúng không được vừa ăn uống vừa cười đùa, chạy nhảy...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.