(HNM) - Do không tìm được đầu ra, đến nay nhiều dự án rau an toàn (RAT) của Hà Nội đang gặp khó khăn có nguy cơ thất bại, thu nhập của người sản xuất thấp, chỉ đạt 20-40%, thậm chí chỉ được 10% so với mục tiêu.
Mới đây, Hà Nội tiếp tục phê duyệt dự án trồng RAT tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ), tổng mức đầu tư khoảng 55 tỷ đồng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là Hà Nội cần sớm đánh giá tổng thể các dự án RAT đã và đang được phê duyệt để triển khai hiệu quả.
Rau an toàn vẫn gặp khó
Dự án sản xuất RAT của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, Hà Đông) được phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, diện tích 10ha, mục tiêu đạt 69 triệu đồng/ha mỗi vụ (200 triệu đồng/ha mỗi năm). Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Hòa Bình, người đầu tiên tham gia dự án cho biết, sau khi trừ chi phí cả năm thu chưa được 4 triệu đồng cho 2 sào, đành phải quay lại trồng rau đại trà. Nhiều hộ tham gia dự án RAT của HTX Hòa Bình cũng chung cảnh ngộ khi thu nhập bình quân chỉ đạt từ 50-80 triệu đồng/ha/năm. Do vậy đến nay có 50/300 hộ đã bỏ dự án, 47 hộ chuyển sang trồng cây ăn quả, lương thực, số ít còn bám trụ thì phải tự lo tìm đầu ra.
Nông dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm chăm sóc rau an toàn. Ảnh: Linh Tâm |
Ông Trịnh Văn Vĩnh, Chủ nhiệm HTX rau Hòa Bình, thừa nhận: địa phương đang bế tắc, các đơn vị bao tiêu sản phẩm quá ít, RAT của HTX phải cần một thời gian dài nữa mới có thể tạo dựng được thương hiệu. Đầu ra khó, trong khi kinh phí đầu tư quá ít, cơ sở vật chất còn thiếu quá nhiều. Hiện HTX chỉ tiêu thụ được 10% lượng rau sản xuất ra, tập trung lớn ở cửa hàng RAT tại chợ Hà Đông và một số bếp ăn tập thể. Mới đây, HTX mở thêm một cửa hàng RAT tại 80 Tô Hiệu, nhưng khách hàng không đông do chưa quen với địa điểm mới. Do gặp mưa giông, vừa qua toàn bộ 10ha nhà lưới của HTX đã bị gió lốc và mưa lớn phá hỏng, tu sửa lại phải hết 500 triệu đồng, HTX đã phân bổ mỗi hộ thu 2 triệu đồng/sào để sửa chữa làm mới nhưng nhiều hộ dân tham gia dự án chưa mặn mà tiếp tục sản xuất RAT. Tương tự là dự án sản xuất RAT của HTX Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) triển khai năm 2006 trên diện tích 65ha, với 500 hộ tham gia, đến nay chỉ còn 49 hộ ở thôn Giáp Ngọ sản xuất trên diện tích 2ha. Toàn bộ kinh phí 250 triệu đồng của dự án được đầu tư cho hệ thống nhà lưới, song do bố trí quá thấp, lại không có ô thoáng nên vào mùa nóng chất lượng rau rất thấp. Bởi vậy, với mục tiêu đạt 300-380 triệu đồng/ha/năm, nhưng thu nhập thực tế của hộ trồng rau tham gia dự án chỉ đạt 45-47 triệu đồng/ha/năm do chi phí sản xuất lớn, giá bán RAT không cao hơn rau thường...
Mấu chốt vẫn là đầu ra
Trong khi nhiều dự án RAT của Hà Nội vẫn đang bế tắc về đầu ra thì mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2408/QĐ-UBND, phê duyệt dự án Phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Dự án nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm RAT ổn định, bền vững và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng dự án. Ở nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới bàn hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng rầm rộ lập đề án xây dựng kế hoạch sản xuất RAT.
Tuy nhiên, nhiều dự án trồng RAT vang bóng một thời như HTX sản xuất RAT Vân Nội (Đông Anh); HTX RAT Đặng Xá (Gia Lâm); HTX sản xuất RAT Cự Khối (Long Biên)… giờ ít được nhắc đến, thậm chí nhiều người tiêu dùng còn lãng quên. Hàng chục dự án sản xuất RAT đang trong tình cảnh khó khăn bởi không tìm được đầu ra. Trong khi thị trường RAT còn bế tắc như hiện nay, nhiều nơi RAT phải đem bán như giá rau thường. Nếu như vài năm trước, Hà Nội có trên 100 cơ sở tiêu thụ RAT thì nay giảm xuống quá nửa. Nhiều dự án sản xuất, tiêu thụ RAT đang lay lắt, khiến nông dân không hào hứng, chưa yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, một số dự án sản xuất RAT thất bại, chủ yếu do đầu tư tự phát và thiếu bài bản trong quy hoạch. Mặt khác, các dự án này bế tắc là bởi việc sản xuất RAT còn bỏ ngỏ khâu khai thác thị trường, tạo dựng thương hiệu khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng. Kinh nghiệm thành công từ các dự án rau hữu cơ ở Sóc Sơn là phải có DN đứng ra xây dựng thương hiệu, tổ chức phân phối... còn nếu để các HTX tự sản xuất, tự tiêu thụ khó có thể thành công.
Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với thị trường RAT cần phải thay đổi cách làm hiện nay, nhìn nhận ở nhiều khâu từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ, nếu yếu, thiếu ở khâu nào thì giải quyết xử lý khâu đó. Chi cục BVTV và các cơ quan chức năng phải là cầu nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho những đơn vị sản xuất có uy tín, giúp đỡ họ bố trí hệ thống bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng... Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra mẫu rau bán tại chợ, cửa hàng, phát hiện địa chỉ bán RAT rởm để có biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật. Tạo dựng thói quen cho người tiêu dùng, tẩy chay các loại rau không rõ nguồn gốc, xây dựng thương hiệu RAT chiếm lĩnh thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.