Chiều 20-11, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 đã diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác liên quan đã tập trung bàn về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan đến hòa bình và phát triển ở khu vực; hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, tài chính, quản lý thiên tai, giáo dục, dịch bệnh và triển khai kết nối ASEAN.
Về Biển Đông, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện hiệu quả DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ảnh: VGP |
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị EAS lần thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và những tiến triển hợp tác EAS trong thời gian qua, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, tài chính, môi trường, quản lý thiên tai, giáo dục, y tế… và triển khai kết nối ASEAN. Để phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hợp tác EAS thời gian tới tập trung vào một số ưu tiên như: Bảo đảm EAS tiếp tục là diễn đàn của lãnh đạo cấp cao nhằm đối thoại và hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực, cả về chính trị, an ninh, cũng như hợp tác phát triển. Tăng cường vai trò của EAS trong xây dựng các khuôn khổ và chuẩn mực chung trong khu vực nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế tại Đông Á, đồng thời tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như đề ra và thúc đẩy các nỗ lực liên kết kinh tế khu vực, tăng cường hỗ trợ triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Phát biểu tại phiên họp hẹp của Hội nghị EAS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị cần tiếp tục các nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, trong đó phát huy hiệu quả các công cụ hiện có thể hiện qua các nguyên tắc và giá trị trong văn bản được cộng đồng quốc tế và khu vực công nhận như Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi. Điều này đã và đang góp phần giúp EAS xây dựng và củng cố môi trường hòa bình ổn định, hợp tác của cả khu vực.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố EAS về sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chiều cùng ngày đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21. Từ tháng 1-2013, Brunei sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số nước ASEAN, các đối tác của ASEAN, đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế… đã tham dự Đối thoại toàn cầu ASEAN.
Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo và đại diện một số tổ chức quốc tế đã thảo luận và trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển bền vững... Đồng thời, các nước ASEAN cũng vận động và kêu gọi các đối tác và các tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong thực hiện các mục tiêu liên kết và hội nhập khu vực.
Phát biểu tại Đối thoại toàn cầu ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp vào nỗ lực chung, phù hợp với điều kiện quốc gia, trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Thủ tướng đề nghị các nước phát triển cần quan tâm thích đáng đến việc hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất nông nghiệp, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, tăng cường hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các tổ chức Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á... có thể đóng một vai trò tích cực thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ điều phối hợp tác giữa các nước nhằm đạt được mục tiêu này.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Mỹ, Brunei, Malaysia, Singapore, New Zealand và Australia đã tham dự cuộc họp cấp cao không chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo 7 nước thành viên TPP. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của triển vọng liên kết kinh tế sâu rộng trong khuôn khổ Hiệp định TPP, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong tiến trình đàm phán gần 3 năm qua và nhất trí tiếp tục cùng nỗ lực để có thể hướng tới hoàn tất đàm phán trong năm 2013.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam chia sẻ quyết tâm chung và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực để có thể sớm hoàn tất đàm phán. Để TPP trở thành một cơ chế hợp tác hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên cần tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận mang tính cân bằng, "vì sự phát triển" và thiết thực hỗ trợ các thành viên đang phát triển tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần duy trì sự năng động và vai trò đầu tàu của Châu Á -Thái Bình Dương trong nền kinh tế thế giới.
* Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao liên quan ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng New Zealand John Key. Hai bên đánh giá cao việc hai nước đã mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực lao động và an ninh quốc phòng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng John Key khẳng định sẽ tiếp tục duy trì viện trợ ODA cho Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, thông báo Toàn quyền New Zealand sẽ thăm Việt Nam và mời lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm New Zealand. Hai bên cũng nhất trí sớm tiến hành kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.