(HNM) - Như mọi người dân Việt Nam đã biết, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không đơn thuần là một lễ hội, mặc dù là một lễ hội vô cùng hiếm hoi trong lịch sử mấy ngàn năm nước Việt. Đại lễ là một sự kiện trọng đại, là dịp để mỗi con Lạc, cháu Hồng nhìn lại và khẳng định trong niềm tự hào dân tộc, thể hiện khát vọng mới trong cộng đồng thế giới.
Tổ chức thành công ngày lễ trọng của dân tộc là nghĩa vụ, là trách nhiệm đặt lên vai Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội - trách nhiệm thật lớn và thách thức cũng rất nhiều. Với niềm tự hào và mong muốn cho một Đại lễ hoàn hảo nhất, Hà Nội đang làm hết mình. Và một lần nữa phải khẳng định rằng: Chúng ta không chỉ làm cho hôm nay và cho cả ngày mai. Dự án Luật Thủ đô, Quy hoạch Hà Nội, rồi việc xây dựng những công trình văn hóa (Bảo tàng Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng, Công viên Hòa Bình...), những khu đô thị, những con đường rộng mở, những cây cầu nối dài nhiều vùng động lực với cơ sở hạ tầng hiện đại..., không ngoài mong muốn đó.
Một điều nữa, không phải trong năm trọng đại 2010 này Hà Nội mới nghĩ đến điều đó. Sau không ít thời gian chuẩn bị, ngày 19-5-2008, Bảo tàng Hà Nội đã chính thức được khởi công. Ngay cả những vấn đề đang được báo giới đề cập những ngày gần đây như việc chỉnh trang các tuyến phố, Hà Nội đã đi trước một bước. Từ năm 2007, Hà Nội đã thực hiện hạ ngầm đường dây đi nổi trên các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ, Tràng Tiền - Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Trần Duy Hưng và Hai Bà Trưng. Tiếp đó đến năm 2009, thành phố phê duyệt chủ trương ngầm hóa tuyến phố Trần Phú, Quang Trung (Hà Đông), Khâm Thiên (Đống Đa)... Và nay, Hà Nội tiến hành lát gạch vỉa hè, chỉnh trang đường phố. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn luôn là những bài toán hóc búa không thể giải quyết ngày một, ngày hai. Chưa kể những cơ chế vốn có nhiều vấn đề đang ràng buộc chúng ta mà không ít lần Hà Nội phải xin Trung ương cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc.
Với từng ấy công việc không thể tránh khỏi những khó khăn bức xúc tức thời. Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây là một ví dụ về bảo tồn và phát triển. Để có một con đường mới và một đoạn thành cổ giao nhau, tựa lưng vào nhau mà phát triển, mà đi tới là mong muốn của lãnh đạo thành phố và người dân Hà Nội. Thế nhưng cũng chỉ vì giải phóng mặt bằng mà các chủ đầu tư vẫn phải thi công cầm chừng. Và nữa, người ta nói Hà Nội như một đại công trình tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Điều đó không sai, nhưng nếu ai đó đã từng sửa chữa hoặc xây mới công trình đều rõ hơn ai hết: Công việc nhiều khi không chỉ kéo dài vài ba tháng, huống hồ với hàng loạt công trình trải dài khắp thành phố. Chưa kể, thành phố yêu cầu "Tất cả các chủ đầu tư phải có phương án sử dụng gạch lát hè hiện tại phù hợp với dự án được duyệt và chuyển vào sử dụng cho dự án lát hè khác để tiết kiệm, tránh lãng phí"... Từng ấy công việc lại trong giai đoạn nước rút, khó tránh khỏi những bề bộn, xáo trộn sinh hoạt người dân.
Chê trách thiếu tính xây dựng liệu có nên không khi mỗi người dân Thủ đô đang gánh trên vai trách nhiệm với cả dân tộc. Chúng ta đang sống ở thời khắc lịch sử quan trọng, đang làm những công việc rất đáng tự hào cho Đại lễ, cho hôm nay và cho mai sau. Và vì vậy, trách nhiệm đòi hỏi mỗi chúng ta một chút hy sinh riêng cho những điều lớn lao. Chỉ một điều nhỏ thôi nếu không đào vỉa hè, đào đường, liệu có thể ngầm hóa hệ thống dây chằng chịt như mạng nhện và có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào; và nếu không làm như vậy làm sao có những đường phố khang trang, sạch đẹp và ngăn nắp hơn? Bề bộn để tiến tới ngăn nắp - đó là lẽ thường. Ai không hiểu và cố tình không hiểu điều đó thì thật đáng buồn. Người ta thường nói: Chê thì quá dễ, làm mới là điều khó.
Lúc này, chúng ta cần sự chia sẻ, sự đồng cảm, đồng thuận của mỗi người với những nhận xét, đóng góp mà trong đó thật sự là tình yêu Hà Nội, vì Hà Nội. Đây chính là động lực để Hà Nội tổ chức thành công Đại lễ, hoàn thành những công việc lớn lao với niềm tự hào cho hôm nay và cho mai sau, thể hiện trách nhiệm của Thủ đô với cả nước và của cả nước với Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.