(HNM) - Có hai dự án, cùng cấp quốc gia, cùng không thể không làm. Vấn đề là thời gian khởi công và tiền: Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới và bảo tồn, phát triển đàn voi Tây Nguyên.
Ở Đông Nam Á hầu như nước nào cũng có voi và thuần hóa, sử dụng voi là truyền thống lâu đời. Myanmar dùng voi khai thác gỗ, voi Thái Lan nổi tiếng trong ngành du lịch còn Lào được gọi là đất nước Triệu voi và hằng năm có hội voi... Voi Việt Nam đi vào lịch sử với những đội tượng binh kiêu hùng, là biểu tượng quyền uy của vua chúa…
Voi trong lao động, lễ hội... rất phổ biến ở Tây Nguyên. Bản Đôn, gần thành phố Pleiku, Đắk Lắk nổi tiếng cả nước về truyền thống thuần hóa và sử dụng voi... Nhưng mấy năm qua đàn voi Việt Nam (voi rừng và voi nhà) cứ teo tóp dần do những chứng bệnh lạ. Voi nhà mắc bệnh do bị nhổ lông, cưa ngà... để làm đồ lưu niệm; voi rừng mất diện tích sinh sống, lang thang qua những môi trường không thích hợp và bị xua đuổi... Mặc dù chúng được luật pháp bảo vệ nhưng do không đủ phương tiện, điều kiện bảo đảm luật có hiệu lực nên 30 năm qua đàn voi rừng Tây Nguyên từ gần nghìn con, nay chỉ còn vài chục. Để phục hồi đàn voi, truyền thống và văn hóa sống, ứng xử với voi, đã có một dự án với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.
Bảo tồn và phát triển đàn voi là việc làm cần thời gian, kinh nghiệm, kiến thức và tiền bạc. Những quản tượng kỳ cựu từ lâu đã không còn; thế hệ mới không mấy mặn mà; kinh nghiệm, kiến thức, phương tiện hiện nay thực sự nghèo nàn. Mấy năm trước, để bắt giữ mấy con voi rừng dữ đã phải mời chuyên gia Malaysia… Vậy 60 tỷ đồng có đủ để thực hiện?
Một dự án khác lại được cho là quá nhiều tiền - Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với tổng kinh phí dự tính 11.000 tỷ đồng. Làm ra tiền đã khó, tiêu còn khó hơn. Mỗi một đồng bạc cho dự án như một người lính ra trận. Phải sử dụng sao cho xứng đáng, ít thất thoát nhất.
Các nơi, từ trung ương tới địa phương, đều có bảo tàng, nhưng hiệu quả được bao nhiêu? Mỗi năm có bao nhiêu đoàn học sinh đến thăm, học ngoại khóa ở Bảo tàng Lịch sử, Cách mạng, Quân đội?... Bảo tàng các địa phương có phải là địa điểm được giới thiệu trong hướng dẫn du lịch? Phải mất chừng 30 năm vất vưởng đủ mọi nhà kho, các hiện vật lịch sử Hà Nội mới có được chỗ ở chính thức, mà giờ bảo tàng ấy (trị giá 11.000 tỷ đồng) có thu hút khách tới xem?
Đàn voi sẽ thế nào nếu hôm nay không bắt tay vào việc. Đàn voi và thời gian không chờ đợi. Đã qua là vĩnh viễn. Tất nhiên phải có tiền. Bao nhiêu, cần tính toán cho đúng.
Còn bảo tàng? Tất nhiên là không thể không có. Nhưng có thể đợi. Tới lúc đủ điều kiện thực hiện tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.