Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bẫy Pheromone phòng trừ sâu hại rau

Sơn Tùng| 02/07/2014 06:19

(HNM) - Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, đơn vị đầu mối được Sở NN&PTNT giao quản lý, giám sát, phát triển lĩnh vực rau an toàn của thành phố, việc sử dụng bẫy Pheromone có ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ côn trùng có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn bảo đảm hiệu quả phòng trừ.

Qua kết quả thử nghiệm, Chi cục BVTV Hà Nội đánh giá, việc sử dụng bẫy Pheromone giúp giảm số lần phun thuốc BVTV từ 2 đến 3 lần so với ruộng nông dân không sử dụng mà vẫn bảo đảm việc phòng trừ các đối tượng sâu hại (sâu tơ, sâu khoang, sâu đục quả cà chua, sâu xanh da láng hại hành). Đặc biệt, lợi ích lớn nhất của bẫy Pheromone là bảo vệ các loài côn trùng có ích, bảo vệ môi trường và quan trọng là sản phẩm sản xuất ra bảo đảm an toàn, được nông dân đánh giá cao.

Có rất nhiều loại cây trồng có thể áp dụng bẫy Pheromone để phòng trừ sâu hại như su hào, cải bắp, lơ xanh, cải xanh, cải ngọt, đậu cove, đậu trạch, hành hoa, cà chua... (đối tượng sâu hại là sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng hại hành, sâu đục quả cà chua). Hiện nay, trên thị trường, vật liệu làm bẫy Pheromone đều có sẵn, bao gồm: Mồi Pheromone (được cung cấp bởi Viện BVTV), bát nhựa, hộp nhựa, giá treo bẫy, dây thép, xà phòng. Đối với mỗi loại sâu hại có cách làm bẫy khác nhau. Lưu ý, giá treo bẫy có thể làm bằng gỗ hoặc tre, đóng hình chữ L, chiều cao 100cm, chiều dài thanh ngang từ 25-30cm để buộc bẫy. Một số loại rau leo giàn (đậu leo, cà chua), có thể treo bẫy ngay trên giàn có sẵn. Sử dụng xà phòng bột hòa vào nước với nồng độ 0,1% sau đó đổ vào bát nhựa, hộp nhựa, mục đích để khi trưởng thành, sâu rơi xuống bị dính nước xà phòng và chết (chú ý giữ mực nước xà phòng 1/3 chiều sâu của bát nhựa và 1/4 hộp nhựa).

Người dân nên thay mồi định kỳ 15-20 ngày/lần và mồi Pheromone phải được bảo quản lạnh trước khi mang ra sử dụng để hiệu lực không bị giảm. Do cơ chế tác dụng của Pheromone là phát tán theo không khí, vì vậy để đặt bẫy Pheromone có hiệu quả thì phải đặt đồng loạt trên cả khu đồng rau và có sự tham gia của cộng đồng, không đặt đơn lẻ ở từng ruộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bẫy Pheromone phòng trừ sâu hại rau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.