(HNMO) - Hơn 50 năm trước, đó chỉ là những dòng nhật ký riêng tư trong cuốn sổ tay nhỏ mà phi công Nguyễn Đức Soát lúc nào cũng đặt trong túi áo ngực bên trái để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi cùng anh tan vào “đại dương thứ năm”. Chàng trai ngày ấy giờ đã là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, và những trang nhật ký xưa giờ trở thành kho tư liệu quý cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bắt đầu viết từ ngày 20-3-1966, những trang nhật ký dài suốt hơn 7 năm tuổi trẻ đưa độc giả đến với hành trình của phi công Nguyễn Đức Soát từ lúc bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở tuổi 27.
Nguyễn Đức Soát sinh ra để được bay, cuộc đời ông thuộc về bầu trời, niềm vui lớn nhất là mỗi khi được cất cánh. Nhật ký khi ấy chỉ là những suy nghĩ riêng tư, là sự trải lòng trước diễn biến thời cuộc của một học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay lên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ.
54 năm sau, khi đọc lại trang viết của chính mình, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Nguyễn Đức Soát không khỏi ngỡ ngàng nhận ra, “những dòng nhật ký tôi đã viết khi mới 20 tuổi ấy như một lời nguyền về tình yêu của tôi với bầu trời, một bầu trời luôn xanh trong trên quê hương thân yêu, một bầu trời không vấy bẩn vì bom đạn giặc”.
Nhưng, nhật ký của Nguyễn Đức Soát không chỉ viết về riêng bản thân mình. Mô tả một cách trung thực những suy nghĩ về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc, Nhật ký phi công tiêm kích đã vượt lên những suy tư, xúc động, nỗi niềm của một thanh niên, mà mang theo tinh thần, khí phách của cả một thế hệ tuổi hai mươi đi đánh Mỹ.
Để lại sau lưng ước mơ, nỗi nhớ, tình yêu, gia đình, họ lên đường chiến đấu, một lòng một dạ vì quê hương với tinh thần tận hiến vì Tổ quốc, với tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Như tác giả Nguyễn Đức Soát tâm sự: “Chính vì một bầu trời luôn trong sáng mà bao đồng chí thân yêu của tôi đã không trở về, họ mãi mãi sống trong “đại dương thứ năm”, mãi mãi “ sống trên bầu trời quê mẹ”.
Ra mắt cuốn Nhật ký phi công tiêm kích là cách để Nguyễn Đức Soát tưởng nhớ đồng đội, tri ân với cả tập thể đứng sau một phi công bay lên bầu trời như các cán bộ chỉ huy, những người làm công tác chính trị, tham mưu, kỹ thuật, hậu cần… - “tất cả đã giúp cho tình yêu bầu trời của tôi được trọn vẹn”.
Chia sẻ trong buổi giới thiệu sách đầy xúc động tại Bảo tàng Phòng không - Không quân sáng ngày 16-12-2020, ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Trẻ - đơn vị xuất bản cuốn Nhật ký phi công tiêm kích, khẳng định, đây là cuốn nhật ký của một người nhưng mang đến câu chuyện của nhiều người - “những người không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, chỉ sợ không còn cơ hội được đi chiến đấu; những người khát khao lập công, quyết tâm đánh thắng kẻ thù, không phải vì huy chương trên ngực áo riêng mình, mà chiến đấu vì đồng đội, chiến đấu vì đơn vị, và chiến đấu cho chiến thắng cuối cùng của dân tộc”.
Theo nhà thơ Hữu Việt, cuốn Nhật ký phi công tiêm kích “được đảm bảo bằng sinh mạng của người viết”, cho nên, dù là ghi chép riêng tư nhưng tính cá biệt vẫn mang độ tin cậy rất cao. Cuốn sách như một chiếc chìa khóa để “giải mã về một phi công, một con người, chiến công và cuộc đời đầy tự hào của một thế hệ tuyệt đẹp mang khát vọng thiên thanh”.
Song, cuốn sách này không chỉ đơn thuần là những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả Nguyễn Đức Soát đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử, cùng phần phụ lục hình ảnh phong phú. Người đọc sẽ như được thấy hai cuốn sách trong một cuốn sách, được đọc hai thể loại nhật ký và hồi ký bổ sung hoàn hảo cho nhau tạo thành một tác phẩm văn học, một tư liệu quý về chiến tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.