Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử tổng thống tại Brazil: Cuộc đua kịch tính

Thùy Dương| 07/10/2014 06:29

(HNM) - Đúng như dự đoán, cuộc bầu cử Tổng thống Brazil ngày 5-10 vừa qua đã phải tiến hành bầu cử vòng hai (vào ngày 26-10) để tìm người lãnh đạo quốc gia lớn và đông dân nhất Mỹ Latinh trong 4 năm tới, nguyên nhân là bởi không ứng cử viên nào đạt số phiếu quá bán.

Cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống tại đất nước của những vũ điệu Samba đã vô cùng nóng bỏng và đầy kịch tính với sự tham gia của 11 ứng cử viên. Tuy nhiên, chỉ có 3 ứng viên tiềm năng là đương kim Tổng thống Dilma Rousseff thuộc đảng Lao động (PT), nhà hoạt động môi trường Marina Silva của đảng Xã hội (PSB) và Thượng nghị sĩ Aecio Neves thuộc đảng Dân chủ xã hội (PSDB).

Đương kim Tổng thống D.Rousseff (trái) và Thượng nghị sĩ A.Neves sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng hai để tranh ghế Tổng thống Brazil.



Kết quả bầu cử vòng một cho thấy, bà D.Rousseff đã về nhất với 41,08% phiếu ủng hộ trong khi ứng cử viên nặng ký A.Neves giành vị trí á quân với 34,20%. Bà Marina Silva - người "đang lên như diều gặp gió" và tưởng như không thể bị ngăn cản - đã hết cơ hội vào vòng sau khi chỉ nhận được 21% phiếu bầu. Như vậy, vòng đua thứ hai sẽ chứng kiến sự tranh tài của bà D.Rousseff và ông A.Neves. Cuộc bầu cử năm nay được xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với 12 năm cầm quyền của đảng PT trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất khu vực Mỹ Latinh này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.

Bà D.Rousseff đi vào lịch sử với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil. Năm 2010, dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Lula da Silva, bà chinh phục được chiếc ghế lãnh đạo cao nhất. Lên cầm quyền trong những điều kiện thuận lợi, bà D.Rousseff thừa hưởng được hào quang của người tiền nhiệm và cũng là người đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của mình, ông Lula da Silva. Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống (2003-2010), ông đã tận dụng những thành quả kinh tế để đẩy lui nạn nghèo khó. 40 triệu dân Brazil gia nhập tầng lớp trung lưu. Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố gần đây ghi nhận, dưới sự lãnh đạo của bà D.Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, tỷ lệ người nghèo tại Brazil giảm 75% trong khi tỷ lệ suy sinh dưỡng giảm một nửa và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất trong lịch sử của đất nước với hơn 200 triệu dân. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong tạo công ăn việc làm, trợ cấp tài chính và xây dựng hàng triệu ngôi nhà cho những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong 4 năm qua, bức tranh kinh tế của Brazil không còn tươi sáng như trước. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang từ 4% dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva nay chỉ còn khoảng 1,5% một năm. Lạm phát lại bùng lên hơn 6,5%. Từ tháng 6-2013, nhiều phong trào xã hội lên tiếng phản đối giới lãnh đạo tham ô, bất tài. Bên cạnh đó, hàng loạt các đòi hỏi về xã hội đã nảy sinh. Người dân đòi chính quyền cải thiện hệ thống giáo dục, y tế hay đơn giản hơn là nâng cấp các phương tiện giao thông công cộng. Uy tín của Tổng thống D.Rousseff không còn được như xưa. Ở thời điểm cuối năm 2012, bà từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 78%, nhưng làn sóng biểu tình năm ngoái phản đối dịch vụ công yếu kém và chi phí khổng lồ cho World Cup đã khiến uy tín của bà và Chính phủ Brazil sụt giảm xuống mức tồi tệ 30%. Ván cờ chính trị của bà D.Rousseff còn trở nên phức tạp hơn sau bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras làm rung chuyển giới chính trị và khiến người dân bất bình.

Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá A.Neves là người chủ trương ôn hòa và được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ hết mình. Nhân vật này có quan điểm khác biệt với Chính phủ hiện nay về kinh tế cũng như chính sách đối ngoại nhưng đều cam kết tiếp tục, thậm chí mở rộng những chương trình xã hội hiện hành, điều mà đương kim Tổng thống D.Rousseff cho là những hứa hẹn "sáo rỗng". Sau khi về thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil ngày 5-10, Thượng nghị sĩ A.Neves đã kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri đảng PSB trong cuộc bầu cử vòng hai quyết định trước bà D.Rousseff để mang đến một hy vọng thay đổi cho Brazil.

Thế nên, dù đương kim Tổng thống D.Rousseff chiếm ưu thế với khả năng tái đắc cử khá cao, nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu vẫn khó đoán định khi nhiều yếu tố trước thềm cuộc bầu cử vòng hai có thể sẽ tác động đến lá phiếu của các cử tri. Người dân Brazil đang đặt niềm tin vào những lá phiếu có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế đang trên đà suy giảm của quốc gia Mỹ Latinh này. Do đó, dù ai có đắc cử vị trí tổng thống thì những nhiệm vụ cụ thể cho nhà lãnh đạo mới từ việc kéo đà tăng trưởng đến cải cách dịch vụ công và ngăn chặn tham nhũng cũng là các thách thức vô cùng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử tổng thống tại Brazil: Cuộc đua kịch tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.