Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống Pháp: Trận quyết đấu cuối cùng

Lâm Phương| 06/05/2012 04:48

(HNM) - Vượt qua 8 đối thủ trong "vòng loại" hai tuần trước, hôm nay (6-5), đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đại diện cho Liên minh cầm quyền Vì phong trào nhân dân (UMP) và ứng cử viên Francois Hollande của đảng Xã hội (PS) sẽ bước vào vòng bầu cử quyết định để chọn ra người nắm giữ chìa khóa Điện Élysée nhiệm kỳ mới.

Ứng cử viên đảng Xã hội F.Hollande và đương kim Tổng thống Pháp N.Sarkozy.

Với chiến thắng ở vòng I, dù chỉ với số điểm sít sao nhưng ông F.Hollande vẫn đủ tạo lợi thế lớn cho đại diện của PS F.Hollande so với Tổng thống đương nhiệm N.Sarkozy. Đáng chú ý, trong cuộc đấu "một mất, một còn" này, ứng cử viên F.Hollande đã nhận được sự ủng hộ quý giá của hai ứng cử viên đứng vị trí thứ 4 và 5 trong vòng bầu cử đầu tiên cách đây hai tuần là ông Jean Luc Mélenchon - đại diện Mặt trận cánh tả (FG) và ông Francois Bayrou - Chủ tịch đảng Phong trào dân chủ theo đường lối trung dung. Điều này có nghĩa, cơ hội cho Tổng thống N.Sarkozy không nhiều dù ê kíp tranh cử của đương kim Tổng thống Pháp không ngừng tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại nhằm tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngay sát ngày bỏ phiếu vòng 2 cũng không cho thấy nhiều khác biệt so với trước. Tức là, số phiếu ủng hộ vẫn đang nghiêng về ứng cử viên cánh tả khi 52% số người được hỏi tuyên bố có ý định bỏ phiếu cho ông F.Hollande, 48% cho Tổng thống N.Sarkozy. Rõ ràng, chính trị gia 58 tuổi của đảng PS - được những người mến mộ gọi là "ông tử tế" đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo của sự kiến thiết và đồng thuận giữa các tầng lớp trong xã hội Pháp. Đây thực sự là điều được nhiều cử tri Pháp hướng tới trong bối cảnh đất nước hình lục lăng đang phải đối mặt với nhiều bất ổn về kinh tế và an sinh xã hội.

Trên thực tế, cả hai ứng cử viên không có quá nhiều điểm khác biệt. Bất lợi nghiêng về phía Tổng thống N.Sarkozy là do những thành quả kinh tế xã hội mà nước Pháp có được quá "khiêm tốn" trong thời gian ông cầm quyền. Đa số người dân Pháp cho rằng vị "thuyền trưởng" mà họ đặt niềm tin cách đây 5 năm đã không thực hiện đúng cam kết khi tranh cử. Kế hoạch cải cách không đúng hướng không chỉ là mầm mống cho những bất ổn xã hội mà còn biến nền kinh tế số 3 Châu Âu thành "con nợ" bất lực trước cuộc khủng hoảng đồng euro và đánh mất chỉ số tín nhiệm hàng đầu. Bên cạnh đó, rắc rối về đời tư cá nhân cùng những thất thố trong phát ngôn cũng như mối quan hệ được cho là gần gũi thái quá với giới doanh nghiệp giàu có... là những nguyên nhân khiến chân dung của vị Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp trở nên méo mó trong con mắt cử tri.

Mặc dù lọt được vào vòng 2, nhưng một đương kim Tổng thống lâm vào thế bất lợi ngay từ vòng 1 là sự kiện chưa từng có trong lịch sử bầu cử Tổng thống Pháp. Tham vọng ở lại Điện Élysée thêm một nhiệm kỳ của ông N.Sarkozy càng không khả thi khi vấp phải toan tính của đồng minh cánh hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Sự quay lưng của ứng cử viên Marine Le Pen tỏ rõ sự "trông đợi" thất bại của ông N.Sarkozy và UMP; đồng thời tạo lợi thế cho FN, vốn đang nung nấu kế hoạch lật đổ liên minh cánh hữu truyền thống trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới. Trong khi đó, nhằm hạ thấp uy tín đại diện của PS bằng khắc họa hình ảnh đối thủ là nhà lãnh đạo non nớt và thiếu quyết đoán trong "cuộc đọ sức tay đôi" trực tiếp trên truyền hình (tối 2-5) của ông N.Sarkozy đã không hiệu quả như mong muốn. Trái lại, ông F.Hollande đã có cơ hội ghi thêm điểm khi được đánh giá là chân thật, tự tin và có thiện cảm hơn.

Tuy nhiên, lịch sử các cuộc bầu cử cho thấy không ít bất ngờ từng diễn ra vào phút chót. Vì vậy, không ai dám khẳng định ứng cử viên nào sẽ là Tổng thống tương lai của nước Pháp. Chỉ biết rằng, nếu đắc cử, ông Hollande sẽ trở thành tổng thống cánh tả Pháp đầu tiên kể từ thời Francois Mitterand, người đã đánh bại cố Tổng thống Valery Giscard-d'Estaing năm 1981 và cầm quyền đến năm 1995. Còn ông N.Sarkozy nếu thất cử sẽ trở thành vị nguyên thủ quốc gia Pháp đầu tiên trong hơn 30 năm qua không thể ở lại Điện Élysée thêm một nhiệm kỳ.

Nhưng, dù người chiến thắng là ai thì nước Pháp sau bầu cử vẫn là một bức tranh nhuốm màu u ám. Trước "tấm gương" của láng giềng Italia và Tây Ban Nha, rất có thể Pháp cũng có nguy cơ trở thành "con bệnh" mới khi nợ công đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ euro. Trong khi đó, những khó khăn kinh tế làm chệch hướng nhiều lộ trình cải cách không còn là mới ở Cựu lục địa kể từ thời điểm khủng hoảng nợ công bùng phát cách đây gần ba năm. Chắc chắn, tổng thống đắc cử của Pháp vào hôm nay sẽ không hề dễ dàng với một "di sản" như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Pháp: Trận quyết đấu cuối cùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.