Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống ở Brazil: Cuộc đua còn tiếp tục

Thùy Dương| 05/10/2010 06:56

(HNM) - Ngày 3-10, gần 140 triệu cử tri Brazil đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống, chấm dứt 8 năm cầm quyền của ông Lula da Silva. Tuy nhiên, nhân vật kế nhiệm đương kim Tổng thống Lula da Silva vẫn chưa

Người dân Brazil đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3-10.


Theo kết quả kiểm phiếu trong 48 giờ qua, ứng cử viên sáng giá của đảng Lao động cầm quyền, bà Dilma Rousseff chưa giành đủ số phiếu quá bán (50% và tối thiểu 1 phiếu) để có thể tuyên bố chiến thắng. Trong 95% số phiếu được kiểm, bà D.Rousseff đang dẫn đầu với 46,9% phiếu bầu, cao hơn khoảng 14% so với đối thủ chính thuộc đảng Dân chủ Xã hội Brazil, cựu Thủ hiến bang Sao Paulo Jose Serra. Với kết quả này, nữ cựu Bộ trưởng Phụ trách Nội các D.Rousseff khó tránh được cuộc bầu cử trực tiếp vòng 2. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 31-10 tới giữa hai ứng cử viên đứng đầu vòng 1 là bà D.Rousseff và ông J.Serra.

Dẫu vậy, trong cuộc đua "tam mã" tới ngôi vị tổng thống mới của quốc gia Nam Mỹ này, thế mạnh đang nghiêng về ứng cử viên D.Rousseff. Đây là điều dễ hiểu, vì trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên nhiều triển vọng trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên của Brazil này đã có lời hứa thuyết phục cử tri rằng, sẽ tiếp tục con đường thành công của Tổng thống Lula da Silva để đưa Brazil vào hàng các cường quốc kinh tế của thế giới. Thêm vào đó, trong những tuần qua, Tổng thống Lula da Silva cũng đã toàn tâm lao vào cuộc vận động tranh cử để ủng hộ cho bà D.Rousseff. Điều này đã tạo lợi thế đáng kể cho nữ ứng viên sáng giá này.

Thực tế là dù ai thắng cử thì đa số người Brazil đều muốn tổng thống tương lai tiếp tục các chính sách kinh tế và ngoại giao thành công cả trong nước lẫn trên trường quốc tế của ông Lula da Silva. Trong lịch sử Brazil, ông Lula da Silva là vị tổng thống đầu tiên sau 8 năm cầm quyền vẫn được 85% dư luận ủng hộ và ông được coi là người đã đưa phần lớn dân số của đất nước rộng lớn này ra khỏi cảnh bần cùng.

Khi lên cầm quyền (năm 2003), Tổng thống Lula da Silva đã ưu tiên cho mục tiêu  xóa đói giảm nghèo. Tám năm sau, 28 triệu dân Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo khó nhờ vào các chương trình xã hội của chính quyền và các khoản trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp. Không chỉ thế, chính quyền của Tổng thống Lula da Silva còn có chính sách hỗ trợ cho nông dân nghèo, tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, thúc đẩy sức mua cho những thành phần cần được giúp đỡ. Nền kinh tế Brazil liên tục đạt mức tăng trưởng 5%/năm trong 8 năm qua (trừ năm 2009) và là một trong những nước ít bị tác động và phục hồi nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự kiến, mức tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm nay đạt 7,5%.

Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này còn thuộc top 10 nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới sau những phát hiện gây chấn động của Công ty Nhà nước Petrobrás tại vùng biển sâu phía nam Đại Tây Dương. Brazil còn được nhiều nhà kinh tế gọi là "nông trại của thế giới" với tổng sản lượng lương thực lên tới 150 triệu tấn, tăng 87% so với một thập kỷ trước. Cùng với việc chuẩn bị tổ chức World Cup 2014 và Olympic 2016, các nhà đầu tư càng thêm lạc quan về Brazil. Nhiều người trong số họ thậm chí còn dự đoán Brazil sẽ là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15 năm tới.

Vì lẽ đó, cam kết bước tiếp con đường của Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva đã trở thành con át chủ bài giúp ứng viên D.Rousseff vượt lên. Dẫu vậy cuộc đua chưa kết thúc vẫn đang hứa hẹn sự hấp dẫn đến nóng bỏng. Trong những ngày tới, hai ứng viên đạt số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục vận động tranh cử và thật khó đoán trước những bất ngờ sẽ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống ở Brazil: Cuộc đua còn tiếp tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.