(HNM) - Không ngoài dự đoán, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe - gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới - vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 10-7, qua đó tiếp tục duy trì đa số ghế tại Thượng viện.
Chiến thắng của liên minh cầm quyền sẽ tạo cơ hội cho Thủ tướng S.Abe tiếp tục thực thi chính sách Abenomics. |
Cụ thể, LDP giành được 55 trong tổng số 121 ghế bầu lại, đồng nghĩa với việc đảng này giữ tổng cộng 145 ghế. Đối tác nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền - đảng Công minh Mới giành được 14 ghế, nâng tổng số ghế của đảng này tại Thượng viện lên con số 25. Với tỷ lệ áp đảo 170/242 ghế tại Thượng viện, liên minh cầm quyền tiếp tục kiểm soát hai viện của Quốc hội, tạo động lực cho Thủ tướng S.Abe tiếp tục theo đuổi các chính sách phát triển với trọng tâm là chiến lược tăng trưởng kinh tế mang tên Abenomics hay vấn đề tái sử dụng các nhà máy điện hạt nhân. Kết quả này cũng dọn đường cho quá trình cải cách Hiến pháp do số Thượng nghị sĩ ủng hộ xem xét lại bản Hiến pháp hòa bình đã chiếm tỷ lệ 2/3 trong cơ quan lập pháp này.
Theo các nhà phân tích, phe đối lập, đặc biệt là đảng Dân chủ đối lập không giành được sự tin tưởng của cử tri dù chính đảng này đã liên minh với các đảng đối lập khác. Người dân vẫn chưa quên trong giai đoạn cầm quyền 2009-2012, đảng Dân chủ đối lập đã tỏ ra kém hiệu quả và không thực hiện được các cam kết của mình. Thế nên cuộc bỏ phiếu lần này giống một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với phe đối lập. Ở góc độ khác, cuộc bầu cử cũng được xem như lần trưng cầu dân ý đối với chính sách Abenomics. Chiến thắng của liên minh cầm quyền cho thấy, người dân Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng S.Abe thực thi biện pháp kinh tế táo bạo.
Theo Thủ tướng S.Abe, 2016 là năm mở đầu các nhiệm vụ đầy thách thức của Nhật Bản và Chính phủ quyết tâm thực hiện ba mũi tên trong chính sách Abenomics giai đoạn hai (Abenomics 2.0). Tuy nhiên, các chỉ số tăng trưởng kinh tế không mấy khả quan cho thấy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn bị ám ảnh bởi tình trạng trì trệ kéo dài. Việc đồng yên liên tục tăng giá sau sự kiện cử tri Anh nói "có" với việc rời khỏi Liên minh Châu Âu đã tác động mạnh tới hoạt động thúc đẩy xuất khẩu, một trong những mũi tên của chính sách này. Theo lộ trình, tháng 4-2017, thuế tiêu dùng sẽ tăng từ 8% lên 10%, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Nhật Bản nếu không có sự điều phối hiệu quả. Điểm sáng hiện nay là tỷ lệ lạm phát đã trở về mức 0% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 2%) trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định ở mức 3,3%. Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua ngân sách kỷ lục - khoảng 852 tỷ USD cho năm tài khóa 2016, chú trọng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và sự già hóa dân số. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của Abenomics 2.0 và triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Một yếu tố đáng chú ý khác là Nhật Bản đang đề cập khả năng xem xét, sửa đổi Hiến pháp hòa bình được xây dựng sau Thế chiến II. Nội dung được điều chỉnh là Điều 9, theo đó cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được hỗ trợ đồng minh tham chiến ở nước ngoài. Việc giành được 2/3 số ghế tại Thượng viện đã tạo cơ hội cho LDP và liên minh rộng đường hơn trong cải cách Hiến pháp. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, phần lớn cử tri không đồng ý với sửa đổi này. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm của ông S.Abe vì lo ngại khủng bố ngày càng gia tăng, cũng như những hoạt động quân sự của Triều Tiên và tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện lần thứ 24 đồng nghĩa với việc liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe sẽ tiếp tục chi phối Thượng viện Nhật Bản trong 3 năm nữa. Tuy nhiên, con đường tới thành công của học thuyết Abenomics gồm chấn hưng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội vẫn còn không ít chông gai. Các mục tiêu tham vọng của Abenomics 2.0 có đạt được hay không phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo Nhật Bản, người được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi ngoạn mục cho xứ sở hoa Anh đào trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.