(HNM) - Tình hình Ukraine đang đứng trước nguy cơ lún sâu hơn vào khủng hoảng khi hai nhà nước tự xưng Donetsk và Lugansk tại miền Đông nước này quyết theo đuổi tham vọng độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền Kiev.
Ngày 3-11, cơ quan bầu cử tại nước CHND Donetsk tự xưng đã công bố kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử nhằm lựa chọn những người đứng đầu chính quyền và cơ quan lập pháp tại vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine. Theo kết quả công bố ngay sau khi đóng cửa các điểm bỏ phiếu, ông Alexander Zakharchenko, người đứng đầu hiện nay của chính quyền Donetsk tự xưng, đã giành được 81,37% số phiếu bầu. Đảng của ông Zakharchenko cũng nhận được 65% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tại Donetsk. Còn tại Lugansk, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử cho thấy, người đứng đầu nước CHND Lugansk tự xưng Igor Plotnitsky cũng giành chiến thắng với 63,17% số phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử lập pháp, Phong trào hòa bình cho khu vực Lugansk giành được 69,18% số phiếu ủng hộ. Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử của Donetsk và Lugansk, số người dân đi bầu ở cả hai khu vực trên đều đạt trên 60% với sự hiện diện của 51 quan sát viên nước ngoài và hàng trăm phóng viên. Tuy nhiên, lập trường trái ngược của các bên liên quan tới cuộc bầu cử này nhiều khả năng sẽ khiến xung đột ở Ukraine thêm căng thẳng và làm leo thang cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.
Trên thực tế, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, chính quyền Ukraine đã tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử và dọa ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực này. Liên minh Châu Âu (EU) đã lên án các cuộc bầu cử do phe ly khai thân Nga tổ chức ở miền Đông Ukraine là phi pháp. Bà Federica Mogherini, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, còn nhấn mạnh, các cuộc bầu cử này là "trở ngại mới trên con đường tiến tới hòa bình". Bà lặp lại lập trường của EU rằng phiến quân phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn được ký hồi tháng 9 ở Minsk (Belarus) và chỉ được tổ chức bầu cử địa phương trong khuôn khổ pháp luật Ukraine. Trong khi đó, lãnh đạo phe ly khai cho rằng, với tư cách là nhà nước độc lập, họ không phải tuân thủ luật pháp Ukraine và do đó không cần tham gia vào cuộc bầu cử quốc gia của Ukraine hồi tuần trước. Vì thế, thách thức lớn nhất đối với một chính phủ non trẻ như ở miền Đông Ukraine vẫn sẽ là giải quyết cuộc đối đầu với chính quyền Kiev.
Hơn nữa, sự bất đồng về quan điểm trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng của các chính đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine hôm 26-10 cũng sẽ là một rào cản lớn cho việc thiết lập một nền hòa bình cho miền Đông Ukraine. Trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chú trọng các giải pháp ngoại giao với miền Đông, Thủ tướng Arseny Yatsenyuk lại muốn sử dụng các giải pháp quân sự và coi trọng việc khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Cùng với đó, việc Nga công nhận cuộc bầu cử của các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã đào sâu thêm những bất đồng tồn tại không chỉ giữa Kiev và Mátxcơva trong thời gian qua mà còn khiến cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây ngày một trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, Mỹ và EU có thể sẽ lấy cớ Mátxcơva công nhận kết quả cuộc bầu cử ở miền Đông để áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đổi lại, chính quyền Ukraine có thể nối lại hoạt động quân sự ở miền Đông, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.
Một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych, nền kinh tế Ukraine đã đến bên bờ vực sụp đổ khiến nước này phải dựa vào nhiều nguồn trợ cấp của nước ngoài. Xung đột vũ trang cũng đã làm cho người dân miền Đông lâm vào cảnh khốn cùng do không có việc làm, lương hưu hay những nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh các bên tiếp tục ra sức bảo vệ lập trường của mình thì việc tìm kiếm giải pháp để đưa quốc gia Đông Âu này thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.