(HNM) - Ông Beji Caid Essebsi, ứng cử viên đảng Nidaa Tounes, đã được hàng triệu người dân Tunisia lựa chọn là tổng thống mới kể từ sau những bất ổn bùng phát năm 2011 chấm dứt chế độ của cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali.
Theo kết quả chính thức vừa được công bố, ông B.Essebsi đã giành được 55,68% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông là Tổng thống mãn nhiệm Moncef Marzouki nhận được 44,32%. Ông M.Marzouki đã lên tiếng thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của vị tổng thống 88 tuổi, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với nhà lãnh đạo mới vì lợi ích của đất nước.
Người dân Tunisia vui mừng trước thành công của cuộc bầu cử. |
Là một chính khách lão thành và một người có tinh thần đoàn kết rộng rãi, ông B.Essebsi đi theo truyền thống hiện đại hóa của cố Tổng thống Habib Bourguiba, dù đối với nhiều người, ông bị coi là một đại diện của chế độ cũ. Tổng thống vừa mãn nhiệm M.Marzouki và phe cánh hữu cho rằng, nếu ông B.Essebsi đắc cử thì hệ thống chính trị Tunisia sẽ rơi vào tình trạng "bình mới rượu cũ" của chế độ cựu Tổng thống Z.Ben Ali. Tuy nhiên, nhà chính trị B.Essebsi và các cựu quan chức dưới thời trước Cách mạng hoa Nhài khẳng định, họ không liên quan đến những bê bối tham nhũng và lạm quyền của chế độ cũ. Thay vào đó họ tuyên bố sẽ áp dụng khả năng kỹ trị và kinh nghiệm quản lý để vực dậy đất nước Bắc Phi này.
Kể từ khi giành độc lập vào năm 1956 đến nay, đây là lần đầu tiên Tunisia tổ chức bầu tổng thống theo phương thức bỏ phiếu trực tiếp. Trước đó, nước này từng trải qua hai đời tổng thống là ông H.Bourguiba, được coi như người lập quốc và ông Z.Ben Ali, lên nắm quyền từ năm 1987 và bị phế truất năm 2011 trong biến động Mùa xuân Arab. Nhưng quan trọng hơn, cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã khép lại quá trình chuyển tiếp sang thể chế dân chủ nhiều sóng gió của Tunisia. Cuộc nổi dậy đã châm ngòi cho các làn sóng biểu tình bạo động lan rộng trong thế giới Arab với những vụ hỗn loạn, đổ máu ở nhiều nước. Dẫu vậy, so với nhiều quốc gia khác bị cuốn vào cơn bão cải cách, tiến trình chuyển đổi chính trị ở quốc gia Bắc Phi diễn ra tương đối êm ái. Tunisia vừa hoàn tất một bản Hiến pháp mới và đã tổ chức bầu cử quốc hội hồi tháng 10 với kết quả là đảng theo đường lối thế tục Nidaa Tounes của ông B.Essebsi được nhiều phiếu nhất. Hiến pháp mới của Tunisia quy định hệ thống chính trị là bán tổng thống, Quốc hội có quyền quyết định chủ yếu, trong khi tổng thống phụ trách về an ninh quốc gia, quốc phòng và đối ngoại. Với thành công đó, Tunisia được phương Tây đánh giá là hình mẫu chuyển giao chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, nước này vẫn đang đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự và chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng tại biên giới với Algeria, nơi vẫn có những chiến binh Al-Qaeda ẩn náu. Do đó, con đường chèo lái đất nước của Tổng thống B.Essebsi liệu có suôn sẻ không khi những thách thức về an ninh và những chia rẽ sâu sắc vẫn còn hiện hữu trong đời sống xã hội và chính trị tại Tunisia. Một mối đe dọa tiềm ẩn là 3 năm sau sự thay đổi chế độ, nền kinh tế quốc gia Bắc Phi vẫn chưa khởi sắc trở lại. Nạn thất nghiệp, nghèo đói vẫn hoành hành và được xem là thách thức rất lớn đối với sự ổn định xã hội tại nước này.
Với sự lựa chọn của mình, hầu hết cử tri Tunisia đều hy vọng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống lần này sẽ đưa đất nước chưa đến 11 triệu dân tới một tương lai tươi sáng hơn với một sự phát triển bền vững hơn. Thế nhưng, để có thể tìm được một lộ trình chấm dứt hoàn toàn những tàn dư của cuộc biến động chính trị lịch sử đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực và quyết tâm. Dù thực tế còn không ít khó khăn, song những tín hiệu phát đi từ Tunisia đã mang lại sự lạc quan và niềm tin vào một tiến trình dân chủ mới ở quốc gia Bắc Phi. Điều đó cũng có ý nghĩa to lớn đối với quá trình tái ổn định toàn bộ khu vực Trung Đông sau những thay đổi chính trị chưa từng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.