(HNM) - Ba vụ đánh bom liên hoàn nhằm vào 3 đại sứ quán Đức, Ai Cập và Iran ở trung tâm thủ đô Bátđa của Irắc vào ngày 4-4 đã làm ít nhất 32 người thiệt mạng và 168 người bị thương. Các vụ nổ chỉ cách nhau vài phút cho thấy đây là âm mưu khủng bố đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Hiện trường vụ nổ gần Đại sứ quán Iran. |
Người phát ngôn lực lượng an ninh Irắc ở Bátđa, Thiếu tướng Quaxim Átta cho biết, cả ba vụ nổ bom làm rung chuyển Bátđa đều là những vụ đánh bom xe liều chết, trong đó có hai vụ nhằm vào trụ sở đại sứ quán Ai Cập và Iran ở quận Manxo, phía tây trung tâm Bátđa, vụ thứ ba nhằm vào tư dinh của Đại sứ Đức ở trung tâm thành phố. Các quan chức Ai Cập và Iran xác nhận các vụ tấn công ở Bátđa nhằm vào đại sứ quán của họ, khiến các tòa nhà bị hư hỏng nặng, song không gây thương vong cho nhân viên sứ quán. Các vụ nổ đều có sức công phá rất lớn, làm vỡ cửa kính của một loạt tòa nhà xung quanh, phá hủy nhiều xe hơi gần đó và gây ra những cột khói lớn bao trùm thủ đô Bátđa... Vài phút sau vụ nổ, người ta còn nghe thấy tiếng súng xen lẫn tiếng còi xe cấp cứu khi lực lượng cứu hộ khẩn trương tới hiện trường và chuyển các nạn nhân tới bệnh viện.
Theo cảnh sát, ít nhất 18 người đã thiệt mạng ở bên ngoài Đại sứ quán Iran, trong đó có rất nhiều nạn nhân là nhân viên tại một ngân hàng cạnh đó. 14 người khác đã chết trong hai vụ nổ còn lại. Tuy nhiên, nhà chức trách Irắc cho rằng số người chết có thể còn tăng lên. Người phát ngôn cảnh sát trung tâm Bátđa cho biết, lực lượng an ninh đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi có kế hoạch thực hiện vụ đánh bom xe nữa gần Đại sứ quán Đức cũ, nay là trụ sở một ngân hàng. Nghi phạm bị tóm khi đang ngồi trong một chiếc xe chứa đầy thuốc nổ.
Hiện chưa có tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện các vụ đánh bom. Tuy nhiên, cách thức tổ chức và tiến hành những vụ khủng bố liên hoàn này mang dấu ấn của Al Qaeda. Vụ tấn công tương tự mới nhất xảy ra vào tháng 1 vừa qua nhằm vào 3 khách sạn lớn ở Bátđa.
Những vụ nổ trên xảy ra trong bối cảnh các chính đảng tại Irắc đang đàm phán thành lập chính phủ sau gần một tháng diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Theo giới quan sát, tiến trình này có thể sẽ diễn ra trong vòng vài tháng. Do vậy, hành động khủng bố đã làm gia tăng lo ngại lực lượng chống đối đang tận dụng căng thẳng chính trị sau bầu cử tại Irắc nhằm gây bất ổn hơn nữa ở quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề này và phát thông điệp với cộng đồng quốc tế rằng Irắc vẫn đang chìm trong bạo lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.