Theo dõi Báo Hànộimới trên

BAT và những dự án đầu tư cho cộng đồng

Mai Trang| 28/12/2010 07:37

(HNM) - Năm 2004 đánh dấu bước ngoặt mới trong việc đầu tư trở lại cho cộng đồng của Công ty Thuốc lá BAT Việt Nam (BAT) thông qua "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo". Lần đầu tư này được xem là bài bản khi BAT quyết định chọn hai tờ báo Đảng ở hai đầu đất nước là Hànộimới và Sài Gòn Giải phóng để thực hiện cam kết thực hiện dài lâu các dự án nhân đạo.

Từ phía Bắc…

Ở thời điểm đó, Hànộimới đã chọn huyện Sóc Sơn là đơn vị đầu tiên để triển khai dự án "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo" dưới hình thức "Vay bò trả bò". 83 hộ dân nghèo của Sóc Sơn được vay bò, để sau 5 năm hầu hết những người dân được hưởng dự án đều đã thoát nghèo.

Sau dự án tại Sóc Sơn, Hànộimới tiếp tục triển khai dự án tại Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Điện Biên Phủ. Với mô hình cho dân vay không lấy lãi để phát triển sản xuất, 6 năm qua đã có cả ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy mà đời sống gia đình họ đã khấm khá hơn, trẻ nhỏ không phải bỏ học vì thiếu đói. Tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương giảm đáng kể!

…xuôi về phía Nam

Nhìn lại 6 năm thực hiện các dự án "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo", BAT đánh giá cao sự hợp tác có trách nhiệm của Hànộimới, thông qua kết quả và ý nghĩa xã hội của các dự án. Đầu năm 2010, BAT quyết định tiếp tục chọn Hànộimới là đối tác để thực hiện giai đoạn 2 của dự án tại các tỉnh Tây Nam bộ và Quảng Trị. Theo đó, hai tỉnh sẽ tiến hành xây cầu bê tông nhằm xóa các cầu khỉ, hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ, giúp việc giao thương giữa các địa phương được thuận lợi hơn. Tiếp đó là Cà Mau và Kiên Giang. Bà Trần Thị Mai Phương, Chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết: đây là lần thứ hai BAT đầu tư cho Kiên Giang để thực hiện chương trình xóa cầu khỉ. Với nguồn vốn 210 triệu đồng, Kiên Giang sẽ xây mới 3 cây cầu tại các xã Ngọc Thuận, Hòa Lợi và Vĩnh Thạnh thuộc huyện Giồng Riềng.

Song song với dự án xóa cầu khỉ, tại các tỉnh An Giang, Long An và Quảng Trị, dự án sẽ cho người dân nghèo ở vùng trọng điểm buôn lậu, sát biên giới vay vốn để phát triển sản xuất. Tại An Giang là xã Vĩnh Ngươn thuộc huyện Châu Đốc; Tại Long An xã Mỹ Quý Đông thuộc huyện Đức Huệ; và tại Quảng Trị là xã Tân Thành thuộc huyện Hướng Hóa. Ông Lê Cảnh Đoạt, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành đánh giá cao tính ưu việt của dự án là cho vay không lấy lãi. Còn Thiếu tá Tạ Đình Hoạt, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Lao Bảo nhận định: không chỉ dân vay vốn, dự án còn chú trọng tới đặc thù về mặt địa lý nên đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về phòng chống buôn lậu qua biên giới và Luật Biên giới. Đây là việc làm cần thiết để giúp người dân nhận thức rõ hơn về pháp luật và có trách nhiệm với các hành vi của mình. Việc kết hợp giữa giúp dân vay vốn và tuyên truyền phổ biến pháp luật là cách làm sáng tạo, đưa người dân tiếp cận với pháp luật được dễ dàng, thuận lợi hơn và chắc chắn hiệu quả cũng cao hơn.

Nói về giai đoạn 2 của dự án, ông Nguyễn Thành Đạt, trưởng bộ phận truyền thông của công ty BAT cho biết: khi quyết định "chạy" giai đoạn 2, chúng tôi đã trăn trở nhằm tìm ra hướng đi mới cho dự án để làm sao không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ thêm kiến thức về pháp luật, tiến tới giảm thiểu hoặc thay đổi hẳn hành vi buôn lậu. Đây là việc làm dẫu biết khó khăn, nhưng được sự hợp tác nhiệt tình của đối tác Hànộimới chúng tôi tin dự án sẽ đạt được mục đích đề ra.

Còn chúng tôi trong quá trình khảo sát và làm việc cùng BAT tại các địa phương cũng ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư. Với một tinh thần như vậy, chúng tôi tin chắc sau 12 tháng vận hành một chu kỳ vay vốn, vào thời điểm này năm sau, trở lại các địa phương trên sẽ được chứng kiến sự thay đổi cả về chất lượng cuộc sống và ý thức của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BAT và những dự án đầu tư cho cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.