(HNM) - Về Bát Tràng, Gia Lâm, chứng kiến những đôi bàn tay tài hoa, biến thớ đất vô tri thành những bình, những lọ, những tượng, những bức tranh, rồi công phu vẽ lên đó những họa tiết tinh xảo thấy thêm yêu mảnh đất nằm bên bờ sông Hồng.
Chuyện kể rằng, những người thợ gốm làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (ở vùng Thanh Hóa - Ninh Bình) đã đến Bạch Thổ Phường (Bát Tràng ngày nay) lập làng, mở lò làm gốm, gạch từ nhiều thế hệ trước. Tại vùng đất mới, nghề và làng gắn với nhau, rồi trở thành một làng nghề nổi tiếng. Mảnh đất đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Nhớ lời căn dặn của Người, Bát Tràng đã và đang xây dựng làng nghề trở thành một trong những làng kiểu mẫu của cả nước.
Gốm Bát Tràng đã vang danh cả nước. |
Gia phả của nhiều dòng họ ở Bát Tràng vẫn còn ghi rõ việc đưa nghề gốm đến Bạch Thổ Phường. Quá trình chuyển từ quê cũ đến quê mới diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhất là vào thời nhà Trần, Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Lúc này Bát Tràng đã có 20 dòng họ cùng quê cũ, cùng nghề định cư trên quê mới. Kể từ đó, nghề gốm ở làng ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều gia đình… Ngày 20-2-1959, người dân Bát Tràng đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Theo Ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng Hà Văn Lâm, cùng đi với Bác có cán bộ của huyện, xã và rất đông người dân. Trên đường vào thăm HTX sản xuất gốm sứ Minh Châu, Bác ghé thăm nhà ông lang Tự, thăm HTX gốm Minh Châu là mô hình sản xuất tiến bộ nhất trong làng, hoạt động gần giống với mô hình công ty cổ phần ngày nay. Tiền thân của HTX chính là tập đoàn sản xuất Minh Châu, được thành lập bởi 30 thợ gốm đóng góp cổ phần. Sau hai năm, số hộ gia nhập đã tăng lên 50 người và đến tháng 10-1957 thì chuyển thành HTX sản xuất Minh Châu. "Chúng tôi chỉ được thông báo một ngày trước khi Bác về thăm, nên tất cả các xã viên đều sản xuất bình thường. Khi Bác vào khu sản xuất, xem anh Vũ Văn Ninh, sinh năm 1941 in bát, Bác dặn: Bát Tràng là một làng nghề phát triển, các cô, chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hóa đi. Bác dặn thêm: Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới..." - ông Hà Văn Lâm cho biết.
Nhớ lời dặn dò của Bác, các gia đình ở Bát Tràng có vị trí mặt đường đều lùi vào 1 mét, các gia đình ở tuyến đường phụ lùi vào 5 mét để đường đi rộng hơn. Sau ngày Bác mất, người dân Bát Tràng đã đặt hai tuyến đường chính của làng là đường 20-2 để nhớ ngày đón Bác về thăm và ngày 19-5 là sinh nhật Bác, đồng thời, lập bia cách mạng và nhà tưởng niệm Bác tại nơi Bác đứng nói chuyện để ghi nhớ công ơn của Bác. Các thế hệ người dân làng nghề Bát Tràng tin rằng, làm theo lời Bác dạy, làng gốm sẽ thu hút được nhiều du khách, có thêm được nhiều đơn hàng, nhiều tác phẩm gốm sứ có giá trị văn hóa cao được ra đời.
Đến nay, ở làng gốm Bát Tràng đã có 25 người được phong danh hiệu nghệ nhân và 3 nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng. Trong đó, có 5 cụ được phong danh hiệu nghệ nhân Đông Dương; 3 nghệ nhân được phong thời thực hiện kinh tế kế hoạch tập trung của Nhà nước; 8 nghệ nhân được phong danh hiệu nghệ nhân thời kỳ đổi mới. Năm 2007, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam" cho 9 thợ gốm. Nghệ nhân Trần Độ được mệnh danh là "vua" phục chế gốm cổ Thăng Long, gốm men nâu đời Trần và sáng chế nhiều bài men đẹp, độc đáo. Anh Phạm Anh Đạo người khuyết tật được công nhận nghệ nhân trẻ nhất ở tuổi 35, với những tác phẩm làm "sống lại" mẫu gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm men lam, men rạn tưởng như thất truyền. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh Đạo đã cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục, mỗi chiếc nặng 5 tạ, cao 1,95m, đường kính gần 1,2m, nước men rạn theo lối giả cổ… Ngày nay, gốm sứ Bát Tràng đã chiếm lĩnh thị trường nội địa; đồng thời, xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản với hơn 50 công ty và gần 700 hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh.
Ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, Ban vừa có đề xuất với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lấy ngày 20-2 hằng năm là ngày truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa với Bát Tràng mà còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống Việt Nam trong giai đoạn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.