Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất ổn gia tăng

Hoàng Linh| 18/12/2017 06:15

(HNM) - Bất chấp sự đồng thuận quốc tế cũng như thông lệ của Washington suốt 70 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...

Biểu tình tại Frankfurt (Đức) phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ D.Trump về vấn đề Jerusalem.


Các cuộc biểu tình phản đối của người Palestine đã diễn ra mạnh mẽ tại Dải Gaza và khu Bờ Tây trong những ngày qua khiến quân đội Israel phải thực hiện chiến dịch trấn áp quy mô nhất trong nhiều năm. 5 người Palestine đã bị lính Israel bắn chết trong khi có tới 400 người khác bị bắt giữ.

Các cuộc tuần hành cũng liên tục bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump. Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại Lebanon, Marocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Australia... mang theo những biểu ngữ bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine.

Tại TP Frankfurt (Đức) trong ngày 16-12 đã có khoảng 1.000 người tham gia biểu tình, bác bỏ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Động thái này diễn ra chỉ ít lâu sau khi một cuộc tuần hành khác với 2.500 người tham gia tại Berlin, khiến chính quyền Đức phải phát đi cảnh báo về sự nổi lên của tư tưởng bài Do Thái.

Mới nhất, ngày 17-12, gần 80.000 người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Jakarta của Indonesia, mang theo biểu ngữ: “Hòa bình, tình yêu và tự do cho Palestine”. Các cuộc diễu hành hòa bình cũng diễn ra tại Brazil để ủng hộ người dân Palestine.

Trên các diễn đàn quốc tế, các quốc gia đã bày tỏ lập trường và những hành động cụ thể. Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đại sứ các nước Anh, Pháp, Đức, Italia và Thụy Điển đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ D.Trump. 4 trong số 5 quốc gia, vốn là đồng minh của Washington, khẳng định quyết định lần này là động thái không phù hợp với các nghị quyết của HĐBA LHQ và không giúp ích gì cho triển vọng hòa bình tại khu vực. Trong khi đó, HĐBA LHQ hiện cũng đang xem xét một dự thảo nghị quyết do Ai Cập trình lên, theo đó cho rằng bất cứ sự thay đổi nào về địa vị của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ.

Với hướng tiếp cận tương tự, trong khuôn khổ Hội nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vừa diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đại diện 58 nước thành viên đã mạnh mẽ lên án quyết định của Tổng thống Mỹ D.Trump, khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Lãnh đạo nước chủ nhà, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cũng kêu gọi thế giới công nhận nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem và bản đồ năm 1947, đồng thời khẳng định sẽ không có được hòa bình trong khu vực trừ khi tìm thấy một giải pháp cho vấn đề Palestine.

Ông R.Erdogan nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Mỹ về thành phố thiêng liêng này là vi phạm luật pháp quốc tế và làm tổn hại đến nền văn minh Hồi giáo. Các nghị sĩ Quốc hội Jordan, một trong hai nước Arab có thỏa thuận hòa bình với Israel, đã giao nhiệm vụ cho một Ủy ban Quốc hội nước này xem xét lại mọi thỏa thuận với Israel, bao gồm cả Hiệp ước hòa bình Wadi Araba ký kết năm 1994.

Đúng như dự đoán, hành động đơn phương của Mỹ đang châm ngòi cho những căng thẳng mới tại khu vực vốn đã đầy bất ổn. Đã có những cảnh báo về việc chính sách khiến Mỹ mất vai trò trung gian trong thúc đẩy hòa bình Trung Đông có thể sẽ dẫn tới một cuộc nổi dậy nữa của người Palestine để bảo vệ các quyền tự quyết của dân tộc.

Tuy nhiên, trước mắt, rõ ràng là quyết định trái với các nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế đang khoét sâu thêm những ngăn cách giữa thế giới Hồi giáo với chính nước Mỹ và cả quốc gia mà nước này bảo trợ là Israel, đồng thời phương hại đến cuộc chiến chống khủng bố và các nỗ lực bình ổn vùng đất chiến lược này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.