Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bát nháo trước giờ G!

Thế Dũng| 30/08/2010 06:44

(HNM)-Theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ, từ ngày 15-9-2010 trở đi, sản phẩm đồ chơi trẻ em (ĐCTE), 6 loại thiết bị điện, điện tử (TBĐ) khi lưu thông trên thị trường đều phải gắn dấu hợp quy (CR).


Trước đó, mặt hàng mũ bảo hiểm (MBH) cũng đã áp dụng quy định này. "Tối hậu thư" đã có và cũng có nhiều thời gian để các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng nói trên thực hiện việc gắn CR. Nhưng khi phóng viên Hànộimới theo đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện cuộc khảo sát một số địa điểm bán MBH, ĐCTE, TBĐ trên địa bàn Hà Nội, thấy rằng công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH) còn nhiều bộn bề phức tạp.

Tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ


Chọn mua đồ chơi cho trẻ em trên phố Lương Văn Can.   Ảnh: Hồng Vân

Chiều 27-8, có mặt tại cửa hàng Anh Dũng, chuyên bán MBH tại ngã ba Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng, đoàn kiểm tra phát hiện có khoảng 50 chiếc MBH không rõ nguồn gốc, không có dấu CR, làm nhái theo mẫu mã của một số hãng. Anh Nguyễn Văn Dũng, người bán hàng thuê cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 10-15 chiếc mũ với giá 40.000-50.000 đồng/chiếc. "Tôi có biết đó là hàng không được phép bán nhưng vì quá nhiều người hỏi mua do kiểu dáng thời trang, rẻ tiền... cửa hàng khác có bán mà tôi không bán thì thiệt hại quá" - anh Dũng phân trần. Không riêng địa chỉ nêu trên, tại cửa hàng kế bên và các cửa hàng trên những tuyến phố như Hàng Đậu, Hàng Bài, phố Huế... các loại mũ "nhái" được bày bán tràn lan.

Tương tự như vậy, tại phố đồ chơi Lương Văn Can (Hà Nội) hầu hết các loại ĐCTE đều chưa có dấu CR. Theo nhiều người bán hàng thì chỉ nghe loáng thoáng sắp tới ĐCTE phải gắn dấu CR mới được bán chứ không biết chi tiết. ĐCTE là mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu không làm từ vật liệu bảo đảm chất lượng, nó có thể gây hại cho trẻ. Theo phản ánh của một số tiểu thương, một số loại ĐCTE mới nhập về đã có dấu CR nhưng muốn mua hàng này thì người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm 10-15% chi phí so với hàng chưa gắn CR. Đây thực chất là hành động "mượn gió bẻ măng", các cơ quan chức năng khẳng định, việc kiểm định chất lượng không quá tốn kém như mức tăng nêu trên.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số siêu thị điện máy lớn trên phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Nguyễn Trãi (Hà Nội), 6 loại TBĐ gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun nước và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác; ấm đun nước, nồi cơm điện; quạt điện gắn dấu CR đã có bày bán nhưng chưa phổ biến. Trong khi đó, tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ - lẻ, khi hỏi mua hàng có CR, chủ hàng cho rằng, nếu là hàng ngoại nhập thì tùy mặt hàng có tem nhập khẩu, còn hàng sản xuất trong nước thì tem chứng nhận là "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Còn tem CR, hầu hết các chủ cửa hàng đều không biết.

Giờ G đã điểm

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC), đến ngày 27-8-2010 cả nước có 111 đơn vị nhập khẩu, 18 đơn vị sản xuất trong nước và 311 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy cho mặt hàng ĐCTE. Tương tự, con số này với 6 loại TBĐ lần lượt là 262, 28, 470. Theo đánh giá của ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng TĐC, số đăng ký trên là rất nhỏ so với thực tế.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCLSPHH (Bộ KHCN) cho biết: Đầu tháng 9-2010, Cục sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Sở KHCN Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra ĐCTE, TBĐ thuộc danh mục phải gắn dấu CR lưu thông trên thị trường. Từ nay đến ngày 15-9-2010, trong quá trình kiểm tra, đoàn chỉ nhắc nhở những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ĐCTE, TBĐ tiến hành đánh giá, công bố và gắn dấu hợp quy. "Nhưng từ sau ngày 15-9, ĐCTE, 6 loại TBĐ chưa gắn dấu hợp quy sẽ bị tịch thu. Riêng mặt hàng MBH thì khi phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý tịch thu tại chỗ" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trước lo ngại dấu hợp quy có thể bị làm giả, ông Trần Văn Vinh (Phó Tổng cục trưởng TĐC) cho biết: Dấu CR nói lên trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Khi chứng nhận và gắn dấu hợp quy cũng đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu về độ an toàn của sản phẩm đó. Như vậy, dù dấu CR có bị làm giả hoặc dấu thật gắn trên sản phẩm chưa được đánh giá, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, đơn vị sử dụng dấu CR sẽ bị xử lý.

Xử lý vi phạm: Lực lượng nào là chủ công?

Thực tế cho thấy, trong vấn đề quản lý sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH, ĐCTE, 6 loại TBĐ, vấn đề gặp nhiều trở ngại nhất chính là câu chuyện lực lượng nào sẽ là "chủ công", chịu trách nhiệm đến cùng nếu phát hiện có vi phạm. Bởi hiện nay, cùng lúc có nhiều ngành như quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng, KHCN... đều "xỏ giày" vào QLCLSPHH ở một quy trình nào đó. Tuy nhiên, việc ra các quyết định xử phạt hành chính, chế tài dân sự - hình sự của các lực lượng này lại có nhiều khác biệt.

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm: "Cục QLCLSPHH khi phát hiện sai phạm, chỉ được phép yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm tạm dừng lưu thông và phải giao cho quản lý thị trường xử lý các giai đoạn tiếp theo". Nhưng vấn đề là sự phối hợp, quy chế hoạt động của từng ngành có sự khác biệt nên nhiều khi việc xử lý sai phạm rất bùng nhùng và phức tạp. Trong khi đó, những ngành như quản lý thị trường, công an, biên phòng, hải quan... vốn thường có nhiều nhiệm vụ ưu tiên khác. "Bộ KHCN đã có tờ trình đề nghị Chính phủ bổ sung cho lực lượng QLCLSPHH có thêm quyền xử phạt, tịch thu tang vật để quy trình xử lý sai phạm có thể "trọn gói" nhưng chưa được đồng ý" - ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Một khi quyền lực được trao "nửa vời", chưa rõ ràng cộng với ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn coi thường sức khỏe, tính mạng, an toàn của mình và gia đình thông qua việc mua, bán các loại MBH, ĐCTE, TBĐ không bảo đảm đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Người được lợi nhất trong câu chuyện này chính là những người kinh doanh gian dối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát nháo trước giờ G!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.