(HNM) - Bảng B World Cup 2010 được cho là một trong những bảng cân bằng nhất với 4 đội Argentina, Hàn Quốc, Nigeria và Hy Lạp. Kết thúc vòng bảng, Argentina dẫn đầu với 3 trận toàn thắng, Hàn Quốc xếp nhì (4 điểm), còn 2 đội bị loại là Nigeria (1 điểm) và Hy Lạp (3 điểm). Kết cục này vừa bất ngờ lại vừa không.
Niềm vui của các cầu thủ Hàn Quốc. |
Bất ngờ với thành công tuyệt đối của Argentina (không để rớt điểm nào) dù nhiều người đã dự đoán là đội tuyển xứ sở Tango sẽ chiếm 1 suất vào vòng sau. Argentina không được tin tưởng nhiều không phải vì thiếu cầu thủ xuất sắc. Nhiều người lo lắng cho Argentina vì không tin tưởng tài cầm quân của Diego Maradona.
Maradona được chọn làm HLV Argentina vì người Argentina cảm thấy mắc nợ với Maradona. Trong lịch sử bóng đá, chỉ có 1 đội bóng từng vô địch World Cup bị xem là "ban nhạc 1 người", đó chính là Argentina của Maradona tại Mexico 1986. Bốn năm sau, Maradona chỉ còn 60% phong độ vẫn đủ sức dẫn dắt Argentina vào chung kết. Những gì Maradona đã làm cho bóng đá Argentina, người Argentina sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm ở World Cup 2010 để làm vui lòng Maradona trong cương vị HLV.
Maradona dẫn dắt Argentina được 1 năm rưỡi thì đã dùng hơn 100 cầu thủ. "Cậu bé vàng" chỉ bắt đầu thể hiện được vai trò của một HLV thực sự khi tìm được vị trí thích hợp nhất cho Messi (hộ công thay vì là tiền đạo), đồng thời vẫn phát huy được khả năng và khát vọng của các ngôi sao khác.
Qua màn trình diễn của Argentina ở bảng B, đội bóng này có khả năng tiến rất xa tại World Cup 2010. Xếp nhì bảng, Hàn Quốc tuy không có khả năng này nhưng dù sao thành công của một đội tuyển châu Á (lọt vào vòng 2) tại kỳ World Cup đầu tiên tại châu Phi đã là thành tích hơn mong đợi. Bất ngờ Hàn Quốc được lý giải là lối chơi hợp lý, khá cân bằng giữa công và thủ cùng sự xuất sắc của các cá nhân như Park Ji-sung (tỏa sáng ở trận gặp Hy Lạp) hoặc Park Chu-Young (sút phạt ghi bàn ở trận gặp Nigeria).
Đáng buồn cho Hy Lạp và Nigeria. Đội bóng từng vô địch châu Âu năm 2004 Hy Lạp chơi rất tệ ở South Africa 2010. Chính vì Hy Lạp quá thiếu nhân tài nên HLV Otto Rehhagel đành dùng những gương mặt "cũ rích" từ Euro 2004 như Karagounis, Katsouranis… Thất bại của Hy Lạp không bất ngờ, nhưng việc Nigeria chỉ giành được 1 điểm là bất ngờ.
Nigeria từng có dàn cầu thủ giỏi và đầy hứa hẹn. Ở USA 1994 và France 1998, Nigeria chơi rất "bốc", song lại thiếu sự khiêm tốn và cẩn trọng cần thiết nên đã thất bại ở vòng 2. Lối chơi ngẫu hứng nhưng không thật sự hiệu quả cả trong dứt điểm lẫn phòng ngự đã phí phạm lứa cầu thủ xuất sắc bậc nhất trong lịch sử bóng đá Nigeria.
So với World Cup 1994 và 1998, Nigeria ở World Cup 2010 không mạnh bằng nhưng vẫn đủ sức vào vòng 2 nếu chơi đúng khả năng. Đáng tiếc là họ lại phung phí lợi thế dẫn trước khi gặp Hàn Quốc và Hy Lạp. Bóng đá châu Phi rõ ràng vẫn thiếu tính tổ chức nên khó tiến xa tại World Cup!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.