Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Bất lực" với úng ngập do... ít vốn

Bài, ảnh: Trọng Ngôn| 17/07/2015 06:47

(HNM) - Trong 5 năm tới, nguồn ngân sách của TP Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng tối đa 7.500 tỷ đồng, nhưng công tác chống ngập cần tới hơn 66.800 tỷ đồng. Nếu không được Chính phủ hỗ trợ, thành phố sẽ

Yếu kém trong quản lý

Từ đầu mùa mưa đến nay, TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập bởi các trận mưa chỉ kéo dài khoảng 1 giờ. Đáng chú ý, tình trạng này còn xảy ra ở các tuyến đường mà trước đây chưa từng bị ngập. Mới đây, UBND quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh đã quyết định di dời hàng trăm hộ dân sau khi xảy ra hiện tượng lở đất do bị tắc dòng chảy. Nhận định về những hiện tượng bất thường này, ngoài yếu tố khách quan, UBND TP Hồ Chí Minh thừa nhận công tác quản lý còn hạn chế. Hệ thống sông, kênh rạch (3.020 tuyến kênh với tổng chiều dài 5.075km) giữ vai trò quan trọng trong thoát nước ở thành phố, nhưng đến thời điểm này, mới nạo vét được 60,3km/5.057km (hơn 1,1%) nằm trên 4 trục tiêu thoát nước chính là Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm. Hệ thống kênh rạch còn lại (gần 5.000km) bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét đã làm tắc nghẽn dòng chảy. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước ở thành phố, hầu hết được xây dựng từ thời Pháp, vốn chỉ được thiết kế đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, nhưng hiện nay dân số thành phố đã tăng 5 lần (khoảng 10 triệu người).

TP Hồ Chí Minh gần như bất lực trong công tác chống ngập.



Trong quá trình xây dựng hạ tầng, một số tuyến đường chính được nâng theo đúng cao trình quy hoạch, nhưng đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cốt nền đồng bộ với việc nâng cấp đường, trong khi đó hệ thống thu gom nước chảy tràn chưa được xây dựng nên gây ra tình trạng nước chảy vào nhà dân mỗi khi mưa lớn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, cùng với công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo nên không xử lý triệt để các dự án san lấp kênh rạch trái phép để xây dựng các công trình, không xây dựng hồ điều tiết bù lại diện tích đã san lấp làm cho khu vực trữ nước tự nhiên bị thu hẹp...

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân nữa là công tác dự báo chưa lường hết biến đổi khí hậu. Do đó, thông số thiết kế thoát nước theo quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được thay thế đã bị quá tải.

Chậm triển khai quy hoạch vì thiếu vốn

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, đối với công tác chống ngập, hiện thành phố có hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm. Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng, để triển khai được các quy hoạch phải có nguồn vốn rất lớn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng và đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực từ kinh tế, tài chính đến quản lý, trong khi nguồn lực thành phố có hạn.

Để đầu tư các dự án chống ngập trọng yếu, cấp bách, TP Hồ Chí Minh dự trù tổng kinh phí khoảng 66.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng tối đa 7.500 tỷ đồng, số còn lại trông chờ vào các nguồn vốn khác. Đối với nguồn xã hội hóa, những hạng mục có nguồn thu để trả nợ bao gồm 4 nhà máy xử lý nước thải thành phố sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 15.885 tỷ đồng. Để có thêm nguồn vốn, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ vận động nguồn vốn vay ODA khoảng 26.365 tỷ đồng, vay từ Ngân hàng nhà nước 9.850 tỷ đồng. "Trong 5 năm tới (2016 - 2020), bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng/năm để chi trả nợ gốc và lãi đến hạn cho các khoản mà thành phố đã nợ (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 - 2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn và gần như bất lực nếu không được Chính phủ hỗ trợ", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết. Được biết, ngay cả khi được Chính phủ hỗ trợ vốn vay và thu hút được nguồn đầu tư xã hội hóa, thành phố vẫn còn thiếu 7.220 tỷ đồng và chưa biết huy động từ đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bất lực" với úng ngập do... ít vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.