Ngày 22/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng Trần Thị Tuyết Phong (sinh năm 1980, ngụ quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trước đó, vào khoảng tháng Tư, PC46 nhận được đơn trình báo của nhiều nạn nhân bị lừa đảo, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, với thủ đoạn gọi điện đến số điện thoại nhà riêng của nhiều người, giả làm người thân của họ để vay tiền và rút ra chiếm đoạt.
Qua điều tra PC46 đã bắt khẩn cấp đối tượng Phan Văn Ngoan (sinh năm 1959, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngoan khai nhận không hề quen biết các nạn nhân mà chỉ bằng khả năng “khai thác” thông tin của câu chuyện điện thoại với nạn nhân, Ngoan đã khiến những người này tin tưởng.
Ngoan thường dùng lý do mượn tiền là để chữa bệnh, cấp cứu người bị tai nạn… nhằm đánh vào lòng tốt của nạn nhân, khiến họ dễ dàng bị thuyết phục rồi gửi tiền cho Ngoan.
Ngoan khai mua giấy chứng minh thư nhân dân từ nhiều đối tượng không rõ lai lịch tại bến xe Miền Tây. Còn thông tin về số điện thoại nhà riêng của các bị hại Ngoan kiếm trên mạng Internet.
Mặc dù biết mục đích lừa đảo của Ngoan, Trần Thị Tuyết Phong vẫn dùng chứng minh nhân dân của mình và nhiều người khác do Ngoan cung cấp để tới ngân hàng Sacombank mở tài khoản ATM rồi cung cấp lại cho Ngoan để Ngoan sử dụng rút tiền lừa đảo.
Với mỗi thẻ ATM, Ngoan trả cho Phong 2 triệu đồng.
Theo Cơ quan điều tra, đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo cá nhân không cung cấp chứng minh thư nhân dân, thẻ tài khoản để các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo.
Công an Thành phố cũng lưu ý các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra trong việc mở thẻ ATM cho khách hàng, đảm bảo đúng quy trình, quy định./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.