Con cá mập ăn sinh vật phù du dài hơn 6 mét mắc vào lưới tàu đánh cá trên vùng biển đông nam Australia.
Chuyên gia đo chiều dài con cá. Ảnh: Bảo tàng Melbourne |
James Owen và các đồng nghiệp tình cờ bắt được con cá mập khổng lồ hôm 22/6 khi đánh bắt ngoài khơi Portland, bang Victoria. Thay vì bán cho nhà hàng chuyên chế biến vây cá mập để thu lời, họ quyết định hiến tặng con cá cho Bảo tàng Melbourne của bang Victoria.
Con cá khổng lồ dài 6,3 m, nặng 2 tấn, có tên cá nhám phơi nắng, thuộc một loài cá mập ăn sinh vật phù du rất hiếm gặp. Theo ABC, lần gần nhất người ta bắt được nó vào những năm 1930 ở Lakes Entrance, bang Victoria. Đại diện Bảo tàng Melbourne cũng khẳng định, đây mới là lần thứ ba trong vòng 160 năm bắt được cá nhám phơi nắng trong khu vực này.
Tiến sĩ Martin Gomon, làm việc ở Bảo tàng Melbourne và các đồng nghiệp rất hào hứng trước phát hiện lần này. Họ đã đến Portland tiến hành đo đạc ban đầu và phải dùng dao sắc xẻ con cá ra thành nhiều phần bởi nó quá to, không thể chuyển hết một lần. Trước đó, họ phải dùng cần cẩu đưa con cá từ thuyền lên mặt đất.
"Những lần phát hiện tình cờ như thế này có thể cung cấp thêm những mảnh ghép kiến thức còn thiếu về cá nhám phơi nắng. Từ đó hỗ trợ cho công tác bảo tồn và nghiên cứu sinh học về loài vật này," tiến sĩ Gomon nói.
Cá nhám phơi nắng có bộ hàm yếu và mỏng với những chiếc răng bé xíu. Ảnh: Bảo tàng Melbourne |
Cá nhám phơi nắng là loài cá lớn thứ hai thế giới, xếp sau cá mập voi. Chiều dài con trưởng thành có thể đạt tới 12 m. Tên gọi cá nhám phơi nắng xuất phát từ tập tính ưa thích phơi mình ở những vùng nước ấm của chúng.
Do chỉ ăn sinh vật phù du, cá nhám phơi nắng sở hữu bộ hàm yếu và mỏng, với những chiếc răng bé. Đây là điểm khiến chúng khác biệt với cá mập ăn thịt. Chúng thường di chuyển chậm rãi và nhẹ nhàng dưới biển.
Các loài cá mập ăn sinh vật phù du đang chịu sự đe dọa từ hoạt động săn bắt cá mập lấy vây giá trị hàng triệu USD. Nhiều điều luật của Liên minh Châu Âu (EU), Anh và luật pháp quốc tế được triển khai để bảo vệ loài cá này tại một số vùng biển, song các hoạt động săn bắt và mua bán bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.